Sầu riêng đã thực sự bám rễ, trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Krông Păk, Đắc Lắc. Nhận định này đến từ số liệu và kỳ vọng tại hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững do UBND huyện Krông Păk tổ chức sáng 2-9.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Lễ hội sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh: NP |
Chủ tịch huyện, ông Đinh Xuân Diệu cho biết địa phương đã phát triển được gần 29.000ha cây trồng lâu năm, gần 35.000ha cây trồng hàng năm. Góp phần vào danh sách cây trồng chủ lực cà phê, chuối, tiêu… những năm gần đây, sầu riêng từ trồng xen canh đã trở thành một sản phẩm chính, mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều nông hộ trên địa bàn.
Người trồng sầu riêng trao đổi với chuyên gia và doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh:NP |
“Từ 800ha ban đầu, nay diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện đã lên gần 4.000ha, với sản lượng khoảng 45.000 tấn/năm. Trong thời gian qua, huyện đã trân trọng mời gọi, thu hút đầu tư, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, khảo sát và đầu tư hiệu quả, trong đó có 70 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn huyện”, ông Diệu phát biểu.
Theo ông Diệu, huyện đang hướng tới các dự án phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây cũng là tiền đề để thu hút các dự án đầu tư về chế biến, xuất khẩu nông sản trên địa bàn.
Ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NP |
Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với người dân từ khâu chăm sóc, thu hoạch cho tới việc bảo quản, sơ chế và tiêu thụ cà phê.
GS TS Nguyễn Lân Hùng cho rằng cần phải đưa sầu riêng vươn ra thị trường quốc tế. Ảnh: NP |
Các chuyên gia đã trao đổi với doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã về sản xuất, phát triển nông nghiệp cũng như các vấn đề liên quan chất lượng, mã vùng trồng của các loại nông sản. Theo đó, cần có sự gắn kết giữa người dân-chính quyền - doanh nghiệp để tạo sự đột phá cho sầu riêng phát triển.
Sầu riêng là đặc sản làm giàu cho nhiều người dân Tây Nguyên. Ảnh: NP |
“Mỗi cây sầu riêng là mỗi ngai vàng. Sầu riêng là cơ ngơi làm ăn, thu bạc tỉ, không có loại cây nào như vậy. Cho nên, phải làm sao để không chỉ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, mà còn phải vươn xa hơn trên thị trường thế giới”, GS TS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học cho hay.