Mối lo thiếu khí ni-tơ lỏng để cấp đông sầu riêng xuất khẩu

(PLO)-  Năm 2021, diện tích sầu riêng của Việt Nam là 84.800 ha, sản lượng 700 nghìn tấn, tăng 15% so với 2020.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 22-7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các Thương vụ Việt Nam nước ngoài phối hợp tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam.

Thông tin về trái sầu riêng Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết sầu riêng là loại trái cây khiến nhiều người bối rối với mùi cay nồng nặng, có người rất yêu thích, có người lại không chịu được mùi sầu riêng.

Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được mệnh danh vua trái cây, phần thịt giống sữa trứng, ngọt và mịn như kem.

Sầu riêng được bày bán trong siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: AH

Sầu riêng được bày bán trong siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: AH

Dẫn số liệu từ Cục trồng trọt, ông Nguyên cho biết, năm 2021, diện tích sầu riêng của Việt Nam là 84.800 ha, sản lượng 700 nghìn tấn, tăng 15% so với 2020. Các tỉnh trồng nhiều sầu riêng là Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng…

Hiện nay Trung Quốc là một thị trường lớn nhất thế giới về tiêu thụ sầu riêng, kim ngạch nhập khẩu 4 tỉ USD mỗi năm thì 90% nhập chính ngạch từ Thái Lan.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay sầu riêng Việt Nam có nhập sang Trung Quốc, nhưng chỉ xuất qua tiểu ngạch, đầy rủi ro.

Ngày 11-7, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, đây là cơ sở pháp lý để sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Ông Nguyên cho biết, chia sẻ từ các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cho hay, trước đây Trung Quốc thường nhập sầu riêng cấp đông. Phương pháp cấp đông trước đây chủ yếu bằng phương pháp máy nén truyền thống, trung bình mất 6-8 giờ mới cấp đông xong cho một container 40 feet, đạt tới -18 độ C.

Thế nhưng hiện nay đã có phương pháp cấp đông mới sử dụng khí ni-tơ lỏng, cấp đông đạt -18 độ C chỉ mất 1 giờ đồng hồ, nhanh gấp nhiều lần thông thường. Sau khi rã đông thì hương vị giống như sầu riêng tươi.

Đáng chú ý, ông Nguyên thông tin: “Hiện ở Malaysia đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung ni-tơ lỏng để cấp đông sầu riêng. Một số lượng sầu riêng phải chế biến thành purre, nếu không sẽ bị hư thối, bỏ. Đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và chú ý đến nguồn cung ni-tơ sắp tới. Vì sầu riêng chế biến thành purre thì giá thành rất thấp”.

Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có thể xuất khẩu đi các nước dưới hình thức cấp đông nguyên trái, hoặc tách múi, chủ yếu ở các thị trường có đông người việt sinh sống như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản... với loại sầu riêng ri 6. Riêng thị trường Nhật Bản, việc xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó về vi phạm tồn dư hoá chất trong sản phẩm. Do vậy nhiều container sầu riêng bị trả về hoặc huỷ bỏ.

Để phát triển bền vững lâu dài việc xuất khẩu sầu riêng đi các nước, bắt buộc sầu riêng phải hướng theo phương pháp Global GAP, tuân thủ quy định của thị trường về dư lượng hoá chất tồn dư và các quy dinh kiểm dịch thực vật khác.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết Trung Quốc chỉ có một số ít địa phương trồng được sầu riêng, như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam và sản lượng không nhiều.

Sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2021, số lượng nhập đến 821,5 ngàn tấn. Các nước được phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là Malaysia (đông lạnh), Thái Lan (tươi và đông lạnh), Việt Nam (tươi).

Giai đoạn 2014-2021, năm 2014 Trung Quốc chỉ nhập khẩu hơn 300 nghìn tấn thì đến năm 2021 đã nhập khẩu đến hơn 800 nghìn tấn. Điều đó cho thấy tiềm năng, giá trị từ thị trường này rất lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm