Lần đầu tiên trong vòng 20 năm, đồng Euro của châu Âu trải qua một cú sốc khi tỷ giá giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD, có thời điểm giao dịch ở mức thấp khoảng 1,0007 USD/Euro. Trong khi đó, đồng USD lại tăng giá mạnh, ở mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cho biết họ cũng chịu tác động từ sự tăng giảm tỷ giá của hai đồng tiền này.
Lý do đồng Euro mất giá
Trao đổi với PLO, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, cho biết nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá là do thời gian gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện tăng lãi suất. Việc FED tăng lãi suất khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác.
Đối với đồng Euro, hiện nền kinh tế châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao ở mức 8,5-8,6%. Cạnh đó, hiện giá khí đốt, xăng dầu, các vật tư đầu vào đều ở rất cao và bấp bênh, nên khả năng tăng trưởng sản xuất kinh doanh của EU được dự báo rất thấp... Với các nhà đầu tư, khi khả năng tăng trưởng thấp họ sẽ bỏ chạy khỏi đồng tiền đó, và đồng Euro mất giá là đương nhiên.
“Đồng Euro so với đồng USD tính ra là mất giá hai lần. Một lần là vì đồng USD tăng giá trị; còn mặt khác là sự trì trệ của sản xuất kinh doanh của EU trong hiện tại và tương lai” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Việc đồng Euro mất giá là tín hiệu không tích cực cho dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu. Ảnh minh hoạ: VITAS |
Việc tăng, giảm tỷ giá của hai đồng tiền này sẽ tác động thế nào đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam? Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, với các hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thì hầu hết đều sử dụng đồng USD. Và về nguyên tắc đều được lợi, vì khi bán với giá cũ, sau khi quy đổi đồng USD thì được lợi hơn. Nhưng ở chiều nhập khẩu sẽ thiệt hại hơn.
“Vì rõ ràng mua với giá như cũ, nhưng thực tế sau khi quy đổi thì giá lại cao hơn, làm chi phí đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng và giá thành tăng, làm gia tăng lạm phát trong nước” – ông Thịnh nói.
Về nguyên tắc là vậy còn trong thực tế lại có sự khác biệt. Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở Mỹ hoặc các nước dùng USD thì việc tìm kiếm nguồn vốn khó khăn hơn, giá đắt hơn, chi phí vốn cao hơn, giá thành sản xuất kinh doanh sẽ cao.
Mặt khác, lãi suất tăng thì thu nhập của người dân sẽ giảm, trong khi đó người dân dùng thẻ tín dụng nhiều, lãi suất tăng khiến họ phải thắt chặt chi tiêu. Như vậy cả sản xuất đầu vào cũng giảm, tiêu dùng giảm thì hàng hoá trên thị trường giảm, và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó bán hàng hơn.
Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho biết, trong nhiều năm gần đây, tỷ giá VNĐ và USD, các ngoại tệ nói chung đều được Ngân hàng Nhà nước và Nhà nước điều phối tương đối nhịp nhàng, sự biến động chỉ trong khoảng 2%. Mức biến động này không quá lớn để khiến các doanh nghiệp quá lo lắng.
“Tóm lại tình hình tài chính tiền tệ, sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng, nhưng mức ảnh hưởng vừa phải, không quá lớn” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Tiếp tục phân tích về đồng Euro, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay gần như các doanh nghiệp Việt Nam đều giao dịch xuất nhập khẩu với EU bằng đồng USD, nên việc đồng USD tăng giá sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường EU khó khăn hơn nhiều.
“Người nhập khẩu không muốn nhập, vì nhập bằng USD, bán bằng Euro sẽ lỗ. Về xuất khẩu cũng khó khăn. Còn một số ít hợp đồng giao dịch bằng đồng Euro thì cần theo dõi chặt chẽ nếu không thiệt hại rất lớn. Về nguyên tắc đồng Euro sẽ còn giảm nữa, vì EU chưa có động thái tăng lãi suất” – PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Đơn hàng vào EU đang chậm lại
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay sự tăng giảm của hai đồng tiền cũng ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam vào hai thị trường này.
Trước hết, với việc đồng Euro mất giá là tín hiệu không tích cực cho dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào EU, vì giá cao khả năng cạnh tranh khốc liệt. Tháng 6 và đầu tháng 7, đơn hàng vào EU có biểu hiện chậm lại so với 5 tháng đầu năm.
Đồng USD tăng giá cũng là điều kiện để cho hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ thuận lợi hơn, nhưng do lạm phát ở Mỹ cao nên sức mua bị chậm lại.
“Từ tình hình đó, 5 tháng còn lại của năm 2022 có thể có khó khăn so với 6 tháng đầu năm của 2022” - ông Giang nói.
Cũng theo Chủ tịch của VITAS, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp dệt may đã trải qua không ít khó khăn. Các đơn hàng đầu năm bị chậm lại do đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vì dịch COVID-19. Không có nguyên phụ liệu để sản xuất, đơn hàng bị dồn lại, đến khi nguyên phụ liệu về, các nhãn hàng dồn dập yêu cầu sản xuất để xuất hàng, tạo ra áp lực cho sản xuất của các doanhnghiệp trong thời điểm tháng 4, 5.
Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, do diễn biến quá nhanh của chiến tranh Nga - Ukraine tiếp tục làm tăng lạm phát, giảm tiêu dùng, nên hiện lượng hàng hoá tồn kho còn tương đối nhiều.
“Đơn hàng bị chậm lại do lượng tồn kho ở đầu bên kia, cùng với lạm phát cao khiến sức mua ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản bắt đầu bị chựng lại từ cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Từ thực tế đó, chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra phán đoán chính xác về khả năng hồi phục mà phải chờ hết quý 3 thì mới đưa ra được nhận định của quý 4 và đầu năm 2023” – ông Giang nói.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thì cho biết các doanh nghiệp thuỷ sản chủ yếu giao kết hợp đồng bằng USD, do vậy khi USD tăng giá doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi, thế nhưng ngược lại, với doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu nhiều khó khăn hơn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.