Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), cho biết cơ quan này vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM rà soát thông tin, tính toán lại tỉ lệ mẫu rau quả, thuỷ hải sản vi phạm mà một số cơ quan báo chí đăng tải gần đây để tránh hiểu lầm, gây hoang mang dư luận cũng như gây mất uy tín chất lượng thực phẩm nông lâm thuỷ sản Việt Nam.
Đơn vị này yêu cầu quá trình rà soát thông tin, tính toán lại tỉ lệ mẫu vi phạm cần đặc biệt lưu ý tỉ lệ mẫu rau, trái cây vượt mức quy định an toàn thực phẩm tại Thông tư 50/2016/TT-BYT; mẫu mực, bạch tuộc vượt mức dư lượng tối đa cho phép cadimi theo Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2011/BYT. Từ đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chủ động phối hợp với báo chí cung cấp lại thông tin đầy đủ, chính xác.
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết, chất lượng thực phẩm nông lâm thuỷ sản trong những năm qua đang được nâng lên. Ảnh minh hoạ |
Cục này đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM báo cáo đầy đủ kết quả xử lý mẫu giám sát không đảm bảo an toàn thực phẩm theo điều 19 Thông tư 08/2016 của Bộ NN&PTNT và các yêu cầu của Cục tại văn bản 903 ngày 19-7. Kết quả gửi về Cục trước ngày 23-7.
Trước đó, trong các ngày 17, 18-7, một số cơ quan báo chí đưa tin, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra.
Kết quả cho thấy còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.
Đặc biệt, qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại ba chợ đầu mối ở TP.HCM, cơ quan này phát hiện tỉ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao.
Tính chung, phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhóm mặt hàng rau, trái cây là 271/570 mẫu (chiếm tỉ lệ 47,54%), trong đó có nhiều mẫu vượt mức giới hạn cho phép.
Đối với hải sản đánh bắt, về kim loại nặng có 42/100 mẫu (tỉ lệ 42%) phát hiện nhiễm cadimi vượt mức cho phép, trong đó 36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc.
Với thủy sản nuôi, tồn dư kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin 37/100 mẫu (chiếm tỉ lệ 37%); enrofloxacin 49/100 mẫu; trifluralin 5/100 mẫu...
Thông tin này khiến người dân xôn xao trước chất lượng thực phẩm nông lâm thuỷ sản tại các chợ đầu mối.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản khẳng định chất lượng thực phẩm nông lâm thuỷ sản trong những năm qua đang được nâng lên.
Đơn cử trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ NN&PTNT đã tổ chức lấy 843 mẫu thuỷ sản giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm thì chỉ phát hiện 12 mẫu vi phạm, chiếm 1,4%, giảm so với cùng kỳ 2021 là 2,3%.
Các địa phương cũng thực hiện lấy 8.492 mẫu nông lâm thuỷ sản, phát hiện 346 mẫu vi phạm, chiếm 4,07%; giảm so với 5,65% cùng kỳ năm 2021.