Sáng 1-4, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các Bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
Trong số này, đáng chú ý nhất là vướng mắc trong quy định nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác và quy định công bố cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có 5.400 tấn cá của doanh nghiệp đang tồn đọng tại cảng, không xuất khẩu được do vướng quy định tại Thông tư 21/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, hiện còn nhiều cảng cá chưa được Bộ Nông nghiệp chỉ định là có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cả nước hiện có 83 cảng cá, nhưng Bộ Nông nghiệp mới công bố 47 cảng loại 2 đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 21 nói trên, trong khi chưa công bố cảng cá thì không làm thủ tục xuất khẩu được.
Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan băn khoăn về thẩm quyền công bố cảng cá. Dẫn quy định tại Luật Thuỷ sản, ông Phan cho hay Bộ Nông nghiệp chỉ công bố cảng cá loại 1, còn cảng cá loại 2, loại 3 do địa phương (cấp tỉnh và huyện) công bố.
Giải trình các kiến nghị của VASEP, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Kim Anh cho biết tổng lượng hàng hóa thủy sản qua cảng khoảng 1,8 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 9.300 lượt tàu cá/ngày.
Lý giải vì sao Bộ Nông nghiệp phải đứng ra công bố cảng cá loại 2, theo bà Kim Anh, thực tế, nếu để địa phương làm rất chậm, trong khi yêu cầu gỡ thẻ vàng của EU rất gấp, nên Bộ đã phải công bố 47 cảng loại 2 đạt chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu.
“Bộ đề nghị địa phương gửi thông tin lên để Bộ công bố. Với cách làm như vậy, dự kiến ngày 24-4 tới đây, Bộ tiếp tục công bố các cảng còn lại, để các tàu cá khi nhập cá về cảng được xác nhận là hàng lưu cảng”- bà Kim Anh nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rút kinh nghiệm khi ban hành thông tư 21/2018. Thông tư này ban hành không quy định thời gian chuyển tiếp, khiến các doanh nghiệp tồn đọng 5.400 tấn cá.
"Lẽ ra số cá này đã làm thủ tục xuất khẩu các nước rồi, nhưng vì quy định như vậy nên không xuất khẩu được”- ông Dũng nói.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP mong muốn trước mắt, Bộ sớm có biện pháp hành chính để doanh nghiệp xuất khẩu hơn 5.400 tấn cá, vì đã được chế biến. Đáp lại, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn cho biết vào chiều ngày 2-4, ông sẽ chủ trì cuộc họp (có mời đại diện VASEP) để xử lý vấn đề tồn đọng 5.400 tấn cá nêu trên.
Một vướng mắc khác liên quan đến Thông tư 36/2018 cũng của Bộ Nông nghiệp. Theo đó, các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các cảng trung chuyển về Việt Nam phải nộp bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp. Quy định này được cho là không cần thiết, không khả thi nhưng đang gây ách tắc cho nhiều container hàng thủy sản.
“Cần xem xét năm vừa qua kiểm tra bao nhiêu lô hàng, phát hiện bao nhiêu vi phạm? Các nước đã có chứng nhận rồi thì mình có cần kiểm tra nữa không? Còn nếu cứ theo lý thuyết rồi khẳng định là “cần” thì chúng ta đã không phải ngồi với nhau ở đây thế này”- ông nói.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thông tư 36 có hiệu lực thi hành ngày 10-2 nhưng tới 14-2, cơ quan công báo mới nhận được văn bản của Bộ. Việc Bộ ban hành nhưng không công bố khiến các hiệp hội, doanh nghiệp không nắm được.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn sau đó thừa nhận nội dung này và cho biết sẽ rút kinh nghiệm, theo hướng bỏ yêu cầu bản sao giấy xác nhận trong Thông tư 36, chủ tàu chỉ cần khai báo thông tin. Về ý kiến của ông Ngô Hải Phan, ông Tuấn cho hay sẽ rà soát, nghiên cứu kỹ lại việc này.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các Bộ sửa ngay các thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. “Nếu chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ sẽ ảnh hưởng tới vấn đề tăng trưởng”- ông Dũng nhấn mạnh.
Ba năm chưa sửa xong quy định về sử dụng muối I-ốt Tại cuộc làm việc sáng nay (1-4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương đề xuất sửa đổi quy định về sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm tại Nghị định 09/2016. Đại diện Bộ Y tế cho hay Bộ đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy định này. “Tôi rất buồn vì ngay vấn đề muối I-ốt thôi, bàn từ năm 2016 mà đến nay vẫn nói câu chuyện. Cải cách thế này thì không thể chấp nhận được. Nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi vậy mà để doanh nghiệp nói đi nói lại mãi chuyện này”- ông Dũng nói và sau đó khen ngợi Bộ Nông nghiệp đã rất khẩn trương khi xử lý vấn đề liên quan đến cảng cá. “Ngày 21-3, chúng tôi tiếp xúc với VASEP, hôm sau Bộ Nông nghiệp xem xét công bố luôn 39 cảng cá. Người ta làm ngay, có sản phẩm cụ thể, còn mình cứ lý luận, rồi suốt ngày “tiếp tục, đẩy mạnh, tăng cường” cuối cùng vẫn không ra được cái gì, sản phẩm vẫn là số 0 thì làm sao chấp nhận được”- ông Dũng nói. |