Tổng cộng có 59 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 16-11. Chất vấn của các ĐB tập trung vào vấn đề chất lượng giáo dục; mặt trái của việc dạy thêm-học thêm; nạn bạo lực học đường...
Chấn chỉnh ngay việc bắt giáo viên tiếp khách
Câu chuyện địa phương làm văn bản ép giáo viên đi “tiếp khách” đã làm nóng hội trường. ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề nhiệm vụ của thầy cô là dạy học nhưng chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã huy động hàng chục giáo viên nữ đi tiếp khách trong các hoạt động không liên quan đến trách nhiệm của họ và đã bị dư luận lên án mạnh mẽ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận “đây là một trong những vấn đề có thật”, ông đã có ý kiến và yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh báo cáo. “Ở đây không phải chỉ là một trường hợp của thị xã Hồng Lĩnh mà trong thực tế cũng có nhiều nơi mà cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo” - ông Nhạ nói. Đồng thời ông Nhạ nhận lỗi: “Tôi cũng nhận trách nhiệm, là người đứng đầu ngành bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô, chúng tôi rút kinh nghiệm để chủ động chứ không phải bị động khi có hiện tượng báo chí phản ánh thì mới có ý kiến”.
Về những phản ứng của ĐBQH trước trả lời của ông trên báo chí hôm qua liên quan tới việc điều giáo viên đi tiếp khách ở Hà Tĩnh, Bộ trưởng Nhạ thành thật giải thích: “Có lẽ tôi diễn đạt chưa rõ ý. Ý của tôi muốn nhấn mạnh là các địa phương mà điều giáo viên đi làm những việc không đúng mục đích và không phù hợp với thời gian là không được. Tôi cũng đã nêu trong công văn chỉ đạo đối với Hà Tĩnh…”.
Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Việc các cô giáo phải đi tiếp khách là việc rất không tốt, không chỉ với giáo viên mà đối với tất cả cán bộ, nhân viên nữ. Cái này chúng ta cần chấn chỉnh”.
Thi trắc nghiệm: Một người ho, cả phòng làm được bài
Các ĐB tỏ ra đặc biệt quan tâm đến phương án thi trắc nghiệm đang triển khai có thực sự ưu việt, đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết các chuyên gia đều nhất trí phương án thi trắc nghiệm kiểm tra được kiến thức toàn diện chứ không học tủ, học lệch, đỡ tốn kém và quá độ để tiến đến phương án toàn diện hơn.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tranh luận: “Theo trả lời của Bộ trưởng, hình thức thi trắc nghiệm là hình thức ưu việt, tuyệt đối. Thực tế tôi thấy ngược lại”. ĐB Nga phân tích thi trắc nhiệm “không phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh giống như Bộ đã hô hào rất nhiều năm nay”; không rèn luyện được kỹ năng thực hành cho học sinh ở các môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), trong khi đó các trường học mất nhiều tiền để xây dựng các phòng thực hành… “Các cháu học sinh đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Vì sao? Phòng thi chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất sau đó cho xức dầu gió rất nhiều. Cứ phương án 1 thì bạn ấy ho một tiếng cả phòng chúng cháu tích vào phương án 1, phương án 2 ho hai tiếng và trong quy chế thi không cấm thí sinh ho thế cho nên chỉ cần một bạn làm được bài là cả phòng làm được bài” - ĐB Nga dẫn chứng.
Trả lời ĐB Nga, Bộ trưởng Nhạ cho biết thiết kế của Bộ không có chuyện áo trắng, áo vàng, ho hay dầu gió. “Mỗi em có mã thi riêng, mỗi phòng thi có 25 em, đề khác nhau. Câu hỏi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Qua kiểm tra thực tế ở ĐH Quốc gia Hà Nội thấy học sinh rất hào hứng, tự giác” - Bộ trưởng nói. Ông Nhạ nhấn mạnh không có một phương án thi nào có ưu điểm tuyệt đối và đây là phương án phù hợp nhất trong các phương án phù hợp. “Chúng ta không nên đặt vấn đề đưa ra một phương thức đúng mãi cho nhiều năm, chúng tôi tiếp thu và cố gắng làm sao (đưa ra phương án thi) tốt hơn để hạn chế một cách thấp nhất những hạn chế, bức xúc cho xã hội” - Bộ trưởng Nhạ hứa.
Môn GDCD giúp giảm bạo lực học đường? Đề cập tới việc đưa môn giáo dục công dân (GDCD) vào kỳ thi năm nay, ông Nhạ cho rằng môn này sẽ góp phần vào việc giảm bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng môn GDCD là môn học cần thiết nhưng không có nghĩa đưa vào làm môn thi tốt nghiệp thì bạo lực học đường sẽ giảm đi. Trước đây bạo lực trong nhà trường thường rơi vào nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ giới, không phải một, hai người mà đánh nhau tập thể, theo nhóm có tính chất lan tỏa. Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hóa của học sinh. Quan trọng hơn, ông Lợi nói: “Cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như game, phim bạo lực... đồng bộ nhiều giải pháp chứ đưa môn GDCD vào môn thi tốt nghiệp là giảm bạo lực học đường thì không phải. |