Thủ tướng: Với tham nhũng, không để chìm xuồng!

Sáng 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội (QH) với cương vị người đứng đầu bộ máy hành chính của đất nước. Trước các câu hỏi về “dự án ngàn tỉ thua lỗ, thất thoát”, “tình trạng tham nhũng, lãng phí”…, Thủ tướng khẳng định sẽ không lấy tiền thuế của dân để xử lý các dự án ngàn tỉ thua lỗ, đồng thời cam kết triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống tham nhũng nhằm xây dựng một chính phủ liêm chính, vì dân phục vụ.

“Phát hiện vụ nào chìm xuồng, hãy báo ngay…”

Là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho hay cử tri rất quan tâm, lo lắng và bất bình trước thực trạng kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước không nghiêm ở nhiều lĩnh vực như: thực thi pháp luật; quản lý tài chính, ngân sách công; trong công tác cán bộ… “Bên cạnh đó là một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, vòi vĩnh, tiêu cực, trong đó có những người ở cương vị lãnh đạo, quản lý. Báo cáo Bộ Nội vụ năm 2015 đưa ra thực tế rất đáng lo ngại là có tới 75% công chức, 82% viên chức trên tổng số công chức, viên chức vi phạm có hành vi tham ô, tham nhũng, cờ bạc,…” - ĐB Học dẫn chứng và đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp chấn chỉnh, xử lý hiện tượng trên.

Trước vấn đề ĐB Học nêu, Thủ tướng khẳng khái nói: “Tại hội trường này, tôi xin nói rõ Thủ tướng Chính phủ cùng với hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng không có kỷ cương phép nước, tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để tạo ra niềm tin trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Thủ tướng cũng khẳng định “phải loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy” và đây là “một yêu cầu hết sức cấp bách”, cần có “biện pháp hết sức cụ thể”.

Cùng về xử lý sai phạm của cán bộ, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) chất vấn: “Vì sao có nhiều vụ việc mà dư luận và báo chí nêu lên rất rầm rộ trong một thời gian nhưng sau đó lại chìm xuồng. Ví dụ như biệt phủ ngàn tỉ, bổ nhiệm lãnh đạo quá số lượng, sai quy trình, sai quy định, cách ứng xử thiếu đạo đức của cán bộ, công chức?”.

Thủ tướng đáp ngay: “Chúng tôi đồng ý là không để chìm xuồng vụ tham nhũng, tiêu cực nào khi phát hiện”. “Nếu vụ nào đã phát hiện mà chìm xuồng thì ĐB Giang báo ra QH và Chính phủ xử lý nghiêm, bất cứ cán bộ nào ở đâu và làm gì” - Thủ tướng khẳng khái.

Chặt đứt cơ chế xin-cho, nghiêm trị tham nhũng

Chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) hỏi: “Thủ tướng có giải pháp đột phá nào để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng hiện nay, biến quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính của Thủ tướng sớm trở thành hiện thực?”.

Trả lời, Thủ tướng cho hay sẽ trám kín các kẽ hở luật pháp để cán bộ không dám, không thể và không nên tham nhũng. Đồng thời quyết liệt cải cách hành chính để không còn cơ chế xin-cho, hạn chế tối đa tình trạng xin-cho, đặc biệt trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, hầm mỏ…

“Phải nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ việc phát hiện tham nhũng, tăng cường kiểm soát quyền lực của mọi cấp cán bộ; công khai, minh bạch, quan tâm đến đời sống cán bộ trong bộ máy, kết hợp với làm công tác tư tưởng… Tôi nghĩ với những biện pháp đồng bộ như vậy thì sẽ hạn chế được tham nhũng” - Thủ tướng nói.

Không lấy tiền dân để cứu dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”

Liên quan đến năm dự án ngàn tỉ “đắp chiếu” (Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy bột giấy Phương Nam ở tỉnh Long An và Nhà máy đạm Ninh Bình), ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) hỏi: “Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý đối với các dự án kể trên để cử tri yên tâm”.

Trả lời, Thủ tướng cương quyết: “Tinh thần là chúng ta không sử dụng tiền thuế của dân để tiếp tục đổ vào dự án thua lỗ này”. Thủ tướng cho hay tới đây việc xử lý đã được “xem xét, kiểm tra, giải quyết” trên tinh thần cắt lỗ, không sử dụng được “bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản” để các dự án này không là gánh nặng của nền kinh tế. Và việc này cần phải làm ngay”.

Thủ tướng khẳng định phải làm cho rõ hơn trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào để gây thua lỗ những công trình gây thiệt hại cho vốn liếng của Nhà nước.

ĐB PHAN THỊ BÌNH THUẬN (TP.HCM):

Cần dành nhiều thời gian hơn cho Thủ tướng

Thời lượng dành cho bốn nhóm vấn đề chất vấn (ở các lĩnh vực công thương, TN&MT, GD&ĐT, nội vụ) hơn 2,5 ngày là khá phù hợp. Tuy vậy, thời lượng chất vấn dành cho Thủ tướng là hơi ít. Đối với người đứng đầu Chính phủ thì cần phải trả lời bao quát tất cả lĩnh vực chứ không chỉ bốn nhóm vấn đề này. Tôi cho rằng trong những phiên chất vấn tới đây, cần dành nhiều thời gian cho Thủ tướng hơn.

ĐB NGUYỄN THÁI HỌC (Phú Yên):

Kỳ vọng vào quyết tâm của Thủ tướng

Lần đầu tiên trả lời chất vấn trước QH, người đứng đầu Chính phủ đã rất nghiêm túc lắng nghe, báo cáo, giải trình ngắn gọn, cung cấp thông tin, nêu thực trạng tình hình và đặc biệt là đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới. Các ĐB đều tin tưởng, kỳ vọng Thủ tướng, đặc biệt là vào những thông điệp, quyết tâm của Thủ tướng. Vấn đề quan trọng là Thủ tướng đã đưa ra thông điệp, khẳng định quyết tâm. Những tư tưởng đó cần phải được triển khai thực hiện với tinh thần kỷ luật, kỷ cương như Thủ tướng đã cam kết.

ĐB NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình):

Thông điệp của Thủ tướng mang tính hành động

Phần trả lời của Thủ tướng đã đi vào trọng tâm, mang tính hành động, quyết tâm cao; nêu được những định hướng trong thời gian tới. ĐBQH hội và cử tri tin tưởng lời nói, lời hứa Thủ tướng đưa ra sẽ là chương trình hành động tốt của bộ máy của Chính phủ trong thời gian tới.

CHÂN LUẬN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm