Bộ trưởng Giao thông lo quá tải ở Tân Sơn Nhất

“Khả năng điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá rất tốt nhưng ở phía dưới mặt đất lại bị ách tắc. Và đây chính là điều cần phải nghiên cứu để tìm giải pháp “giải cứu” cho các đường băng và bãi đỗ máy bay”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã nhấn mạnh như trên trong buổi làm việc với TP.HCM về tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10-7.

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay liên quan đến các vấn đề xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng đã có chỉ đạo giải quyết. Đầu tháng 7-2017, TP.HCM đã đưa vào sử dụng hai nhánh cầu vượt nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho khu vực. Cái khó hiện nay tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao một số tuyến đường vốn là đất quốc phòng để làm đường dân dụng. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện còn chậm nên TP kiến nghị Bộ GTVT tham gia điều phối để đẩy nhanh tiến độ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác đang kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: GT

Đánh giá về tình hình giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phải nói: “Đã đến lúc ta phải dùng đến từ giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất rồi”! Theo Bộ trưởng Nghĩa, năm ngoái công suất của Tân Sơn Nhất là 28 triệu khách/năm, hiện nay là 32,5 triệu khách/năm và cuối năm nay dự kiến sẽ đạt tới con số 36 triệu. Vậy thì giải pháp nào để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng đặt vấn đề đồng thời khẳng định sân bay này chỉ có thể nâng cấp lên 43-45 triệu khách/năm hoặc tối đa là 50 triệu.

“Nếu vượt quá con số này thì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho đô thị TP.HCM. Bộ đang giao cho các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây hồ điều hòa, mở rộng các bãi đậu, chuyển các dịch vụ hàng không sang các khu đất do Bộ Quốc phòng bàn giao lại” - Bộ trưởng nói.

Ông Nghĩa cũng cho hay hiện nay việc xây dựng sân bay Long Thành đang được tiến hành song song với nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Với tiến độ như hiện nay thì dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác được 25 triệu lượt khách/năm tại sân bay Long Thành.

Triển khai nhanh dự án ở cao tốc Trung Lương - Cần Thơ

Ngày 10-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng đã cùng đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Tại hiện trường, Bộ trưởng đánh giá đây là tuyến giao thông quan trọng của khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nó sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 1A, kết nối giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực. Do đó, các bên liên quan cần triển khai nhanh các phần còn lại của các dự án.

Bộ trưởng lưu ý trong quá trình thi công xây dựng cần tránh tình trạng sụp, lún nền đường, đầu các mố cầu... Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo thi công suốt tuyến.

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo báo cáo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh là trên 9.000 tỉ đồng (trước đây là trên 14.000 tỉ đồng), đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng chiều dài tuyến chính là 51,1 km. Có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 80. Dự án được triển khai từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào quý II-2020. Có khoảng 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường khoảng 1.700 tỉ đồng.

Còn dự án cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 23,5 km, có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỉ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất dự án năm 2016. Hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư Bộ GTVT, đầu tháng 8-2017, hồ sơ mời thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ phát hành. Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý III-2018 và hoàn thành vào quý III-2021.

GIA TUỆ - TÍN HUY

_____________________

Đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc-Nam, đã được Thủ tướng chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ tháng 5-2005. Đây là trục đường có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trên toàn quốc.

Hiện tại dự án đã xây dựng được 40 km đoạn đầu từ TP.HCM đến Trung Lương. Việc đầu tư phần còn lại trên các đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn thành đồng bộ hệ thống đường cao tốc này…

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới