Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cải cách phải nhìn từ lợi ích của dân

“Xây dựng nền tư pháp nhân dân, gần dân, giúp dân, hiểu dân cần gì, giúp dân làm những việc có thể làm vì lợi ích của dân là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác tư pháp. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành, đặc biệt là trong quá trình đổi mới đất nước, trên cơ sở chủ trương của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và cải cách pháp luật, ngành tư pháp đã mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa tư tưởng của Người. Trong đó, việc xã hội hóa một số dịch vụ công như công chứng, thừa phát lại được coi là một trong những bước đi mới, mang tính đột phá”. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Vượt qua tư tưởng bao cấp, trông chờ nhà nước

. Phóng viên:Ý tưởng của chủ trương xã hội hóa một số dịch vụ công thuộc sự quản lý của ngành tư pháp được bắt đầu như thế nào, thưa Bộ trưởng?

+ Những bức xúc từ thực tiễn trong quá trình tổ chức và hoạt động của các chế định này đã tự làm phát sinh yêu cầu đổi mới đối với chính lĩnh vực đó. Sự khác nhau chỉ là vấn đề thời điểm và bước đi, cách thức như thế nào cho phù hợp. Ví dụ, đối với chế định công chứng, chúng ta đi từ sự bức xúc của xã hội trước năm 2005, rồi chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến việc cụ thể hóa bằng pháp luật để tổ chức thực hiện. Đối với chế định thừa phát lại, chúng ta lại tiến hành theo một phương thức mới theo hướng từng bước thực hiện mục tiêu cải cách trong khuôn khổ pháp luật hiện hành thông qua việc thí điểm trong một thời gian nhất định, tại những địa bàn nhất định, để sau đó tổng kết thực tiễn và đánh giá tính khả thi để tính toán phương án hợp lý tiếp tục thực hiện chủ trương này.

Ở đây cũng phải nhấn mạnh thêm rằng nếu nhìn theo quan điểm pháp lý đơn thuần thì dường như đó là việc tạo ra hoặc thừa nhận sự không thống nhất cục bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cuộc sống luôn đòi hỏi phải có giải pháp mới, sáng tạo cho những tình huống cụ thể. Hay nói cách khác, sự đổi mới, cải cách luôn đòi hỏi sự cởi mở trong nhận thức và tư duy lý luận, sự kiên định mục tiêu và tính sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động thực tiễn.

. Xin Bộ trưởng cho biết những trở ngại, khó khăn gặp phải trong quá trình xã hội hóa các dịch vụ công?

+ Thực tiễn triển khai xã hội hóa hoạt động công chứng từ năm 2006 và thí điểm chế định thừa phát lại từ năm 2009 đến nay cho thấy, về cơ bản chủ trương xã hội hóa những lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được xã hội đón nhận, nhất là đối với hoạt động công chứng.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong quá trình thực hiện cũng vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, trong đó đầu tiên và quan trọng nhất là vấn đề nhận thức. Tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận công chức, viên chức còn nặng nề. Có không ít trường hợp trì hoãn triển khai quy định pháp luật về xã hội hóa vì không muốn đang từ công chức, viên chức lại trở thành người hành nghề tự do, đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước giờ phải tự làm, tự hưởng… Hoặc thậm chí có trường hợp vì lợi ích cục bộ mà không chia sẻ, hợp tác trong quá trình thực hiện.

Xã hội hóa hoạt động công chứng để nâng cao chất lượng phục vụ dân. Trong ảnh: Làm thủ tục tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Phát triển đồng bộ

. Bộ Tư pháp đã giải quyết các trở ngại, khó khăn đó như thế nào, đặc biệt là việc xử lý các vấn đề lợi ích khi tiến hành xã hội hóa?

+ Để giải quyết vấn đề khó và hết sức nhạy cảm này, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu cẩn trọng, với lộ trình, bước đi hợp lý, thận trọng, phù hợp với từng loại địa bàn với những điều kiện kinh tế-xã hội, tập quán, văn hóa khác nhau có thể tác động đến quá trình xã hội hóa. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra các giải pháp hài hòa các vấn đề có thể phát sinh, trong đó có vấn đề lợi ích như nhà báo nêu. Quan trọng nhất là để đảm bảo tính khả thi, thành công của cải cách, chúng ta phải nhìn từ góc độ phục vụ cho lợi ích của người dân, không nôn nóng, duy ý chí, không áp đặt một mô hình chung, một lộ trình chung cho các địa phương.

Cùng đó, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về mục tiêu, sự cần thiết của xã hội hóa nhằm tạo nhận thức đúng về bản chất, mục tiêu và các bước đi của quá trình xã hội hóa. Đồng thời xác định rõ đây là một xu hướng chung của kinh tế thị trường, là giải pháp không thể né tránh nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho xã hội với chi phí hợp lý, giảm bớt sự can thiệp không cần thiết và qua đó là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách ưu đãi khả thi, hiệu quả để khuyến khích, tạo tâm lý yên tâm đối với các đối tượng bị trực tiếp tác động bởi quá trình xã hội hóa… Song song với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm kịp thời hướng dẫn cũng như xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động cung ứng các dịch vụ công…

. Chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp được đặt trong chủ trương tổng thể về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thế nào? Trong thời gian tới, ngành tư pháp có định hướng gì để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nói trên, thưa Bộ trưởng?

+ Một trong những yêu cầu của Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là phải phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường với thể chế xã hội. Thể chế tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền đã được hoàn thành về cơ bản trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có một số lĩnh vực đã và đang chủ trương xã hội hóa.

Tới đây, cùng với việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và tổng kết giai đoạn năm năm (2011-2015) thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất việc bổ sung, phát triển nghị quyết này, nhất là những vấn đề liên quan đến việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá viên, quản tài viên, thừa phát lại, giám định tư pháp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa. Trên cơ sở đó, vừa tạo đất riêng cho sự phát triển của mỗi nghề, vừa tạo không gian pháp lý cần thiết cho sự liên kết, hỗ trợ giữa các nghề trong thị trường dịch vụ pháp lý chung; vừa nâng cao năng lực và trách nhiệm tự quản của các hội nghề nghiệp; vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với chất lượng dịch vụ cung cấp cho nhân dân.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Có thể hy vọng đã bắt đầu thời kỳ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho việc huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội cùng chăm lo cho các việc tư pháp, cho sự phát triển các nghề trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp vốn đã nhiều năm do Nhà nước nắm và tự làm, để cho nhiều lĩnh vực trong ngành tư pháp của ta thật sự sẽ là việc của dân, do dân làm và vì lợi ích của dân.

Bộ trưởng HÀ HÙNG CƯỜNG

Cả nước có 737 văn phòng công chứng

Chiều nay (24-8), Bộ Tư pháp sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành tư pháp và đón nhận huân chương Độc lập hạng Nhất.

Điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành tư pháp trong thời gian qua, một điểm sáng trong công cuộc cải cách tư pháp theo nghị quyết của Bộ Chính trị là việc thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp. Sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của các văn phòng công chứng, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, văn phòng thừa phát lại, đã được người dân, doanh nghiệp đón nhận. Đến nay, cả nước có 737 văn phòng công chứng, 261 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và 53 văn phòng thừa phát lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm