Bộ trưởng Mỹ sang thăm - cơ hội và áp lực của Đài Loan

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar đang có chuyến thăm Đài Loan. Đây được xem là chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ sau khi Mỹ ngừng quan hệ với lãnh thổ này và công nhận chính sách “một Trung Quốc” năm 1979.

Tại Đài Loan Bộ trưởng Azar đã có các cuộc gặp với hàng loạt quan chức cấp cao lãnh thổ này, như lãnh đạo Thái Anh Văn, lãnh đạo cơ quan ngoại giao Joseph Wu, lãnh đạo cơ quan y tế Chen Shih-chung.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của Đài Loan

Cả Đài Loan và Mỹ thường xuyên nhấn mạnh liên minh của mình dựa vào “các giá trị dân chủ chung”. Theo báo New York Times, từ chuyến thăm cấp cao của ông Azar có thể thấy được tầm quan trọng ngày càng tăng của Đài Loan trong cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng xấu nguy hiểm.

Với Đài Loan, chuyến thăm của ông Azar có thể xem là một cuộc đảo chính về ngoại giao và một cơ hội để giới thiệu thành tích chống dịch của mình, theo New York Times. Tiếp Bộ trưởng Azar, lãnh đạo Đài Loan – bà Thái Anh Văn cho rằng chuyến thăm của ông cho thấy quan hệ hai bên “chưa bao giờ tốt hơn”.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar trong cuộc gặp với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 10-8. Ảnh: REUTERS

Với chính phủ Tổng thống Donald Trump, chuyến thăm Đài Loan của ông Azar là cách để Mỹ thể hiện sự ủng hộ với lãnh thổ này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng nỗ lực cô lập Đài Loan trên trường quốc tế.

“Thật là một vinh dự khi được ở đây truyền tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ và tình hữu nghị từ Tổng thống Trump đến Đài Loan” – ông Azar đã nói tại dinh lãnh đạo Đài Loan ngay trước khi gặp bà Thái Anh Văn ngày 10-8.

Trong khi đó với Bắc Kinh, chuyến thăm của ông Azar đến Đài Loan được xem như là một sự khiêu khích nữa từ phía Mỹ giữa thời điểm bất ổn nhất của quan hệ song phương trong hàng thập niên.

Đài Loan khó tránh áp lực

Bên cạnh khẳng định quan hệ với Mỹ thì chuyến thăm của ông Azar cũng mang lại không ít thách thức, áp lực với Đài Loan.

Trung Quốc đã gửi công hàm chính thức phản đối Mỹ về chuyến thăm Đài Loan của ông Azar, cảnh cáo Mỹ không làm “tổn hại nghiêm trọng” quan hệ và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. Trung Quốc cũng đã thể hiện sự phản đối của mình với chuyến thăm của ông Azar bằng việc đưa hai máy bay chiến đấu tiếp cận Đài Loan ngay trước khi ông Azar có các cuộc tiếp xúc với các quan chức lãnh thổ này. Phản ứng của Trung Quốc là một sự nhắc nhở về các rủi ro mà lãnh thổ này phải đối mặt khi muốn tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.

Trung Quốc xem sự tương tác giữa Đài Loan và Mỹ là một sự thách thức với chủ quyền của mình và theo New York Times chuyến thăm của ông Azar đã khiêu khích sự đe dọa của Trung Quốc trước đó là không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất lãnh thổ này về đại lục.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar phát biểu tại Trung tâm chỉ huy phản ứng dịch bệnh ở Đài Bắc (Đài Loan) ngày 10-8. Ảnh: Chiang Ying-ying/AP

Hoàn cầu thời báo cảnh báo Đài Loan rồi sẽ bị Mỹ vào thùng thuốc súng trong trò chơi Mỹ-Trung, và Đài Loan sẽ trượt đến bờ vực và có nguy cơ bị Mỹ làm nổ tung và mất khả năng quyết định chiến lược cho mình.

Truyền thông Trung Quốc lên án chuyến thăm của ông Azar là âm mưu của Mỹ sử dụng Đài Loan như một quân cờ chính trị để kiềm chế Trung Quốc.

Ngay tại Đài Loan cũng có nhiều ý kiến lo lắng quyền lợi của lãnh thổ này sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng nguy hiểm.

Chuyến thăm của ông Azar cũng làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ có một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai nước hiện đang cực kỳ cao quanh các mâu thuẫn về địa chính trị, nhân quyền, thương mại, công nghệ.

Chỉ trong tháng qua hai nước đã cùng trải qua nhiều sự cố như đóng cửa lãnh sự, ngưng cấp visa cho nhà báo, tranh cãi về các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc. Mới đây Mỹ đã trừng phạt Đặc khu trưởng Hong Kong và 10 quan chức Trung Quốc khác liên quan luật an ninh, và Trung Quốc hôm qua 10-8 cũng đã phản pháo bằng cách trừng phạt 11 quan chức Mỹ.

Thời gian qua cả hai nước đều tăng cường hiện diện ở khu vực, làm gia tăng lo ngại rủi ro đối đầu dù hiểu lầm hay cố ý.

Chưa hết, theo New York Times, đang có lo ngại trong nhiều chuyên gia Trung Quốc rằng trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, chính phủ ông Trump có thể sẽ tăng chống Trung Quốc hơn nữa để ông Trump tranh thủ cử tri, và điều này có thể khiến Mỹ có các bước đi nghiêm trọng với Đài Loan mà sau đó không dễ quay lại được.

Có nhiều đồn đoán về cam kết của bản thân ông Trump với Đài Loan. Về công khai, ông Trump và chính phủ của ông thể hiện ủng hộ Đài Loan hết mình. Năm 2016, trước khi nhậm chức, ông Trump phá vỡ lề lối ngoại giao đã tồn tại hàng thập niên khi nhận cuộc điện đàm chúc mừng từ bà Thái Anh Văn.

Năm 2018, ông Trump ký ban hành luật Đi lại Đài Loan khuyến khích các chuyến thăm qua lại của quan chức cấp cao hai bên, được xem là mở đường cho chuyến thăm của bà Thái Anh Văn đến Mỹ. Mỹ vẫn duy trì là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Đài Loan, và chính phủ ông Trump đã duyệt nhiều gói bán vũ khí cho lãnh thổ này.

Trong khi đó, trong cuốn hồi ký của mình, ông John Bolton – cựu Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump có viết rằng tổng thống nhiều lần có lời lẽ đánh giá thấp tầm quan trọng của Đài Loan.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới