Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ…'

(PLO)- Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, về vấn đề tài chính và giáo viên, Bộ này cũng chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-10, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4.

Tại phiên họp, một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được các thành viên Uỷ ban nêu ý kiến trao đổi, gồm: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thừa - thiếu giáo viên, tuyển dụng, sử dụng giáo viên tại địa phương; sách giáo khoa phổ thông; sáp nhập trường lớp; tự chủ đại học….

Luôn đi kiến nghị, đề xuất

Cũng tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ, là giáo viên và tài chính. Cả hai vấn điều này, chúng tôi không khác gì mấy với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”.

Về lực lượng giáo viên, ông Sơn cho biết, về ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý, sau vài năm tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025.

Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì hai năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.

“Không những thế, nhiều địa phương còn không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm thì biết trừ vào ai, cho nên thôi giao cho em ít chỉ tiêu em để đấy để em trừ dần thế là xong…Thế thì chúng ta phải làm thế nào đây", ông Sơn bày tỏ.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh CTV

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh CTV

Về mặt tài chính, ông Sơn đề nghị phải nhìn nhận một cách sòng phẳng, khi triển khai chương trình GDPT 2018 ghi rõ trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để triển khai đến chủ tịch UBNB các tỉnh, thành phố.

Cần có trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ giáo viên, còn giáo viên trình độ như thế nào thì ngành GD&ĐT lo.

Các tỉnh, thành phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Nhưng hàng năm các địa phương làm việc với Trung ương về ngân sách Bộ GD&ĐT không được biết, kiến nghị cũng không được, việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành GD-ĐT không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu nơi nào thừa.

“Cho nên, không thể nói Bộ GD&ĐT lấy tiền đi mua cái máy tính cho địa phương để làm phòng học tin học được. Chúng tôi chỉ luôn luôn lưu ý, tha thiết yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho việc này và phải giám sát.

Do vậy, mong Quốc hội khi giám sát việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 các địa phương phải đảm bảo cho được nguồn lực về tài chính, đã kêu đến nơi đến chốn chưa"- ông Sơn đề nghị.

Về vấn đề SGK, ông Sơn cho biết, có ý kiến cho rằng vẫn còn có sạn hay chất lượng thẩm định…. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và sẽ còn tiếp tục làm nhiều nữa để gia tăng chất lượng của sách.

Nhưng ông Sơn khẳng định, Bộ không thể chỉ huy được hiệu sách trong khâu phát hành, chỉ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh phải làm thế nào để điều phối sách đến được với các trường theo nhu cầu của họ.

"Không thể nói hiệu sách này mang các cuốn sách a, b, c xuống trường kia. Mà chỉ báo cáo các tỉnh rằng, các trường phổ thông chỗ này đã có, chỗ kia chưa… thì chúng tôi chỉ có thể khẩn khoản, nài nỉ chủ tịch UBND tỉnh hãy điều phối ngay việc đó để sách tới được với học sinh.

Nói vậy không phải là thoái thác trách nhiệm, mà ở đây là cùng nhau tăng cường trách nhiệm…"- ông Sơn nói.

Kỳ vọng về chương trình phổ thông mới nhưng thiếu mọi thứ

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Chúng ta đặt kỳ vọng vào Chương trình GDPT mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. Nó là sự thật!

Các chuẩn về trường học, giáo viên, cơ sở vật chất… để đảm bảo được chất lượng cao, cái chuẩn phải theo thông lệ.

Ông Nguyễn Kim Sơn. Ảnh CTV

Ông Nguyễn Kim Sơn. Ảnh CTV

Ví dụ: Chuẩn của giáo viên, đối với các nước của Khối EU thì 15 học sinh phải có 2 giáo viên. Việt Nam còn rất lâu mới đạt được như vậy, nhưng phải đặt ra một cái chuẩn, cái chuẩn này có thể tổn hại đến “thành tích” của các địa phương.

Một số ý kiến cho rằng cần hạ thấp chuẩn xuống để các đơn vị khi tính thành tích đỡ tổn hao.

Theo ông Sơn, đặt ra chuẩn để các nơi cố gắng, yêu cầu các địa phương và nhà nước đầu tư để đạt chuẩn chứ không phải làm đẹp lòng nhau, đẹp thành tích. Thế nhưng lại có người đề nghị hạ chuẩn xuống để địa phương đạt được chuẩn. Đó mới là bệnh thành tích.

"Các cháu muốn được chăm sóc chu đáo thì phải đủ giáo viên, nơi nào chưa đạt thì phải cố gắng đạt chứ không phải làm đẹp lòng nhau mà hạ xuống.

Nếu đổi mới mà cả triệu giáo viên đều thấy hạnh phúc, sớm chiều không kêu ca gì, đổi mới mà không ai cảm thấy áp lực thì liệu có hay không? Giáo viên mà không có áp lực trước đổi mới thì chúng ta không kỳ vọng con em có gì mới", ông Sơn nói.

Phiên họp cũng xem xét 4 báo cáo kết quả khảo sát chuyên đề:

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống đuối nước trẻ em (giai đoạn 2016-2021).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm