Chiều 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử số 6 của TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hà Đông.
Thiếu nhiều giáo viên, nhưng chỉ là cục bộ
Tại đây, cử tri Đào Văn Phê đặt ra vấn đề, bước vào năm học mới 2022-2023, một số tỉnh thành thiếu giáo viên (GV) trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ, chính sách chưa phù hợp, đồng lương chưa bảo đảm cuộc sống và một số GV xin thôi việc do làm hợp đồng quá lâu không được vào biên chế… Cử tri Đào Văn Phê muốn hỏi Bộ GD&ĐT đã có những hành động, giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?
Thay mặt Đoàn đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện cả nước thiếu khoảng hơn 100.000 trên tổng số 1,6 triệu GV. Năm 2022, tổng số GV cả nước bỏ việc là trên 16.000 người, như vậy trung bình 100.000 GV thì chỉ có 1 người bỏ việc (chiếm tỉ lệ 1%) với các lí do khác nhau.
Ngoài ra, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm rất cao (mỗi năm có khoảng 300.000-400.000 trẻ được sinh ra). Chỉ tính riêng số GV để duy trì cho việc tăng dân số tự nhiên đã là một con số đáng kể trong khi nhiều năm qua không được tuyển thêm chỉ tiêu GV, thậm chí hằng năm còn giảm chỉ tiêu 10% theo chỉ đạo chung.
Ông Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chiều nay. Ảnh PHI HÙNG |
Cạnh đó, vấn đề thừa thiếu GV mang tính cục bộ, do lao động dịch chuyển. Ở một số vùng, lao động trẻ tập trung về rất đông các khu vực các đô thị, ven đô, khu công nghiệp… nhu cầu các lớp học, GV, đặc biệt tiểu học và mầm non tăng cao. Ngược lại, một số khu vực đồng bằng, nông thôn, số này lại giảm xuống.
Nâng lương giáo viên, chưa thể một sớm một chiều
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa qua Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã duyệt cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025 sẽ được tuyển trên 64.000 biên chế. Riêng năm 2022 được duyệt hơn 27.000 chỉ tiêu GV trên cả nước.
Ngành giáo dục cũng thực thiện cơ chế đặt hàng, các trường ĐH sư phạm sẽ phải tính toán được số chỉ tiêu sinh viên, đào tạo đủ được nhu cầu của các tỉnh thành. Đặc biệt là việc đào tạo GV cho các môn học mới để khi có chỉ tiêu tuyển còn nguồn tuyển. Cạnh đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các tỉnh dùng ngân sách địa phương để kí hợp đồng, giải quyết vấn đề thiếu GV.
Đối với vấn đề thiếu GV ở các môn học mới, các địa phương đang vận dụng nhiều biện pháp, như môn tin học sẽ huy động đội ngũ GV ở những nguồn nhân lực từ hệ thống khác nhau, nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu chuyên môn thì vẫn có thể tham gia giảng dạy.
“Mặc dù Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, nhưng đội ngũ giáo viên chiếm đến gần 70% toàn bộ lực lượng công chức, viên chức thì việc nâng lương cũng không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được…”- ông Sơn nói.
Xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai.
Trả lời cử tri về việc bộ sách SGK Cánh Diều có “sạn", ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần chỉ rõ sạn ở chỗ nào, trang nào, số bao nhiêu để kịp thời soát xét, sửa chữa. Nếu phát hiện "sạn" chỗ nào sẽ gửi cho nhóm tác giả, nhà xuất bản xử lý ngay.
Về đề nghị xem xét lại quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh của cử tri, ông Sơn cho rằng đấy là vấn đề rất nhạy cảm. Theo ông, thời gian đầu năm học, báo chí đã phản ánh về việc một số hội cha mẹ học sinh liên quan đến việc thu chi... "Việc này bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao còn cần cân nhắc rất thấu đáo", ông Sơn thông tin.