Tìm giải pháp cho việc thiếu giáo viên

(PLO)- Nhiều cơ sở giáo dục tiểu học, THCS ở TP.HCM đăng tuyển dụng giáo viên nhưng vắng bóng người ứng tuyển, nhất là giáo viên tiếng Anh và tin học ở bậc tiểu học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa có các buổi giám sát tại UBND các quận 6, Tân Phú và Gò Vấp về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2022. Đoàn ghi nhận vấn đề nổi cộm là thiếu giáo viên (GV) và kiến nghị sớm có giải pháp của các cơ sở.

Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), báo cáo tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 14-9. Ảnh: PHẠM ANH

Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), báo cáo tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 14-9. Ảnh: PHẠM ANH

Đăng tuyển nhưng không có ứng viên

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục quận 6, cho biết hiện quận có 100% học sinh tiểu học và THCS đều được học hai buổi/ngày.

Quận 6 đang thiếu 226 GV nhưng mới tuyển được 2/3, số thiếu chủ yếu là GV tiếng Anh và tin học. “Một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có GV ứng tuyển. Có những môn không có người ứng tuyển. Để giảng dạy được, các trường phải tự bỏ tiền để hợp đồng với bên ngoài” - ông Uyên cho biết.

TP cần có chính sách thu hút GV, không để thiếu kéo dài vì theo chương trình mới, từ lớp 3 trở đi, tiếng Anh và tin học là những môn bắt buộc.

Lý giải thêm về việc thiếu GV tiếng Anh, ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú, nhìn nhận GV tiếng Anh thường “né” cấp tiểu học dù trường có biên chế vì thời gian dạy không linh động như các cấp học khác. “Chưa kể dạy tiểu học đòi hỏi có bằng đại học sư phạm, trong khi với trình độ này dạy ở bên ngoài có thu nhập cao hơn rất nhiều” - ông Đạt lý giải.

Do đó, theo ông Đạt, Nhà nước cần có phương án hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp đồng GV để duy trì việc giảng dạy. Về lâu dài, TP cần có chính sách thu hút GV, không để thiếu kéo dài vì theo chương trình mới, từ lớp 3 trở đi, tiếng Anh và tin học là những môn bắt buộc.

Tương tự, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh cho biết quận đang thiếu 20 GV tiếng Anh, bốn GV tin học bậc tiểu học, bậc THCS chỉ thiếu cục bộ, chủ yếu ở các môn năng khiếu.

Theo ông Thanh, thu nhập của GV, đặc biệt là GV mới ra trường rất thấp nên họ không mặn mà dự tuyển. Ngay như bậc mầm non, sau đại dịch, nhiều GV chuyển công tác sang trường tư để có thu nhập cao hơn.

5.939

là số GV biên chế còn thiếu. Trong đó, bậc THCS cần 2.467 GV, bậc tiểu học cần 2.169 GV, bậc mầm non cần 1.006 GV và bậc THPT cần 297 GV.

Gặp khó khi nâng chuẩn GV

Ngoài việc tuyển dụng khó, các địa phương cũng gặp nhiều vướng mắc khi không đảm bảo đủ GV đạt chuẩn để giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 yêu cầu bậc tiểu học, THCS và THPT phải có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo GV.

Tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên cho biết quận còn 124 GV chưa đạt chuẩn theo quy định. Trong đó có 25 GV ngoài độ tuổi học nâng chuẩn, số còn lại đang theo học đại học hoặc đã đăng ký nhưng chờ mở lớp vì chưa đủ số lượng đăng ký.

Dẫn chứng việc tìm lớp học nâng chuẩn lên đại học không hề dễ dàng, bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây (quận 6), kể trường có một GV dạy môn âm nhạc chưa tìm được lớp học tại TP.HCM. “Sau thời gian tìm hiểu, GV này phải đăng ký học ở tận Trường ĐH Vinh (Nghệ An) mới có lớp và đang chờ lịch học để biết được học online hay trực tiếp. Nếu trực tiếp thì dù nhà trường hỗ trợ kinh phí học, GV cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định” - bà Hồng chia sẻ.

Còn tại quận Tân Phú, theo ông Phan Sĩ Đạt, trường ngoài công lập do không đủ GV dạy môn tích hợp nên phải phân công GV các môn vật lý, hóa học, sinh học cùng dạy môn khoa học tự nhiên; GV môn lịch sử, môn địa lý cùng dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý.

Bổ sung, bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), cho biết đa số GV được đào tạo đơn môn nên khi được phân công giảng dạy hai môn tích hợp kể trên còn gặp khó khăn vì sự thiếu kinh nghiệm, lúng túng dù đã được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng trước đó.

Sở GD&ĐT cho biết để đảm bảo đủ GV, TP sẽ tổ chức tuyển đợt 2 vào tháng 10 tới. Đối với các vị trí GV thiếu nguồn tuyển dụng như môn công nghệ, môn tin học và các môn mới như âm nhạc, mỹ thuật, sở đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ GV thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn.•

Chú trọng chất lượng, không chạy theo thành tích

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ghi nhận các kiến nghị và sẽ trình bày với các cấp cao hơn, tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, để chương trình giáo dục mới được hiệu quả, bà Tuyết lưu ý các đơn vị cần chủ động quy hoạch mạng lưới trường, lớp để tiếp tục mở rộng chỗ học, kéo giảm sĩ số học sinh trên địa bàn. Đồng thời linh hoạt trong tuyển dụng GV, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là khối lớp 3 và 7 đang triển khai trong năm học này để nâng chất lượng giáo dục.

Bà Tuyết cũng đề nghị các cơ sở giáo dục phải chú trọng đến chất lượng thực tế, không chạy theo thành tích, phải làm sao khi thực hiện chương trình mới học sinh phải được phát triển toàn diện, có kiến thức, đạo đức, kỹ năng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm