Ngày 6-9, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cho biết đã làm báo cáo nêu thực trạng, giải pháp thực trạng thiếu giáo viên (GV) khiến huyện này có hơn 1.400 em 3-4 tuổi ở bậc mầm non chưa được đến trường.
Nhiều học sinh ở xã Đắk R’măng chưa được đến lớp. Ảnh: VŨ LONG |
Chỉ nhận học sinh từ năm tuổi
Trao đổi với PV, chị HB (ngụ xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong) cho hay nhà chị có hai con trong độ tuổi học mầm non nhưng năm học này chỉ có một bé năm tuổi được nhận vào học tại Trường Mẫu giáo Hoa Lan trên địa bàn. “Đứa sau ba tuổi, vợ chồng tôi đưa đi làm thủ tục nhập trường nhưng không được nhận hồ sơ” - chị HB than thở.
Tương tự, nhiều hộ dân khác ở xã Đắk R’măng có trẻ ở độ tuổi mầm non cũng không được đi học.
Bà Thái Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Lan (xã Đắk R’măng), cho biết năm học này trường có hai điểm trường với chín lớp học, khoảng 306 học sinh (HS). Trung bình mỗi lớp có 30-40 HS. Dự kiến số HS sẽ còn tăng thêm.
“Do thiếu GV nên nhà trường chỉ ưu tiên tiếp nhận các em từ năm tuổi. Chúng tôi được biết hiện xã còn khoảng 200 em 3-4 tuổi chưa được đến trường” - bà Hải cho biết.
Lý giải nguyên nhân nhiều trẻ ở độ tuổi mầm non chưa được đến trường, ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cho rằng thời gian qua, người dân nhiều nơi, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc di cư đến địa phương này ngày càng đông và chưa biết khi nào lắng xuống. Điều này làm cho dân số ở địa phương gia tăng cơ học.
Vì vậy, nhu cầu của trẻ đến trường, nhất là trẻ mầm non ngày càng cao. Trong khi đó, hằng năm huyện Đắk Glong phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế, trong đó có ngành giáo dục.
Ông Phương cho biết thêm đa số HS ở địa phương là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn rất khó khăn. Vì vậy, khó thực hiện chính sách xã hội hóa trong giáo dục. Hiện con em đồng bào ở bậc mầm non chủ yếu được học miễn phí. Bởi vậy, huyện không có nguồn chi để ký hợp đồng với GV tại các trường, điểm trường.
“Đội ngũ GV ở huyện thiếu hụt, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong khi đó, hệ thống trường tư thục lại chưa phát triển. Hiện toàn huyện có hơn 1.400 trẻ em trong độ tuổi học bậc mầm non 3-4 tuổi chưa được đến trường” - ông Phương cho hay.
“Trước mắt, chúng tôi điều động một số trường học còn thiếu ít sang nơi thiếu GV nhiều.”
Tỉnh cho thêm 30 biên chế
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đắk Glong cho biết năm học 2022-2023, huyện Đắk Glong có hơn 20.000 HS các bậc đủ tuổi đến trường. Dù đã chính thức bước vào năm học mới nhưng huyện đang tiếp tục đối diện với những khó khăn như tình trạng thiếu GV, thiếu cơ sở vật chất, trong khi số lượng HS tăng nhanh.
Cụ thể, huyện đang thiếu 108 GV, trong đó có GV tiểu học dạy môn tiếng Anh và tin học. Điều này khiến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp những hạn chế nhất định.
“Trước mắt, chúng tôi điều động một số trường học còn thiếu ít sang nơi thiếu GV nhiều. Tuy nhiên, việc làm này chỉ là giải pháp tạm thời” - vị lãnh đạo này cho hay.
Để khắc phục tình trạng thiếu GV, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương cho hay sắp tới huyện sẽ thực hiện tuyển dụng 68 biên chế (trong đó, tỉnh giao (mới) cho 30 biên chế) phân bổ cho các trường học. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng năm học 2022-2023 cũng dự kiến gặp một số khó khăn, như hồ sơ GV chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019. Trong đó, các môn ngoại ngữ, tin học không có hồ sơ tham gia tuyển dụng.
“Trong số 68 biên chế được tuyển dụng, có 38 trường hợp ở huyện đã chuyển công tác đi nơi khác. Còn lại 30 suất biên chế mới, huyện đang lên kế hoạch để tuyển GV đứng lớp” - ông Phương cho hay.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, xác nhận tỉnh có hai địa phương thiếu GV nhiều, trong đó huyện Đắk Glong thiếu nhiều nhất.
“Dân số ở huyện Đắk Glong tăng cơ học nhiều nên địa phương muốn bổ sung biên chế cho ngành giáo dục không kịp. Đây là điều kiện bất khả kháng. Giải pháp lâu dài vẫn là có chủ trương từ trung ương cho biên chế, địa phương mới có cơ sở xây dựng phương án nhân sự cho các huyện” - ông Toàn cho hay.•
Xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực chi tiêu ngân sách
Năm nay trung ương cho tỉnh Đắk Nông 115 biên chế GV, trong khi địa phương đang thiếu hụt hơn 900 suất biên chế. Việc có chỉ tiêu biên chế mới (115 suất) cũng phải chờ hướng dẫn từ Bộ Nội vụ, vì còn chưa trừ đi số lượng phải tinh giản biên chế.
Thời gian qua chúng tôi đã có nhiều giải pháp để tinh giản biên chế nhưng không làm ảnh hưởng đến đội ngũ đứng lớp, như chỉ giảm văn thư, thủ quỹ, hiệu trưởng, hiệu phó… Giải pháp lâu dài vẫn là xã hội hóa trong ngành giáo dục. Cụ thể, đề nghị các huyện giao đất sạch cho doanh nghiệp, cá nhân mở nhiều trường học tư thục. Việc làm này nhằm giảm áp lực nguồn chi tiền lương biên chế từ ngân sách.
Bà NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông