Bộ trưởng Nội vụ: Có thể thực hiện cải cách tiền lương từ 2024

(PLO)- Bộ trưởng Nội vụ cho rằng điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng là rất hợp lý và có thể thực hiện cải cách tiền lương từ 2024.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Một trong những nội dung được nhiều ĐB liên quan đến việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1-7-2023.

Nghe rục rịch tăng lương thì giá cả bên ngoài đã tăng

ĐB Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho hay cử tri rất phấn khởi trước việc Quốc hội sẽ bàn và quyết định điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023.

Theo ĐB Bạc Liêu, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đề án cải cách tiền lương chưa thể thực hiện được vào năm 2023. Tuy nhiên, cử tri muốn biết lộ trình thực hiện hiện thế nào, đến bao giờ những người hưởng lương trong ngân sách nhà nước sẽ được áp dụng chính sách tiền lương mới?

Mặt khác, ông Thái cho biết cử tri có nguyện vọng được thực hiện tăng lương cơ sở từ 1-1-2023, sớm hơn 6 tháng so với đề xuất của Chính phủ.

“Cử tri kiến nghị tăng lương cơ sở là rất quý, nhưng làm sao để bình ổn giá cũng quan trọng. Nếu như giá cả ổn định thì việc tăng lương cơ sở mới có giá trị”- ông Thái nói và dẫn chứng báo cáo kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 4 của MTTQ Việt Nam cho thấy cử tri đang rất lo ngại học phí và dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương không tăng.

ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cũng bày tỏ trăn trở trước việc giá đầu vào tăng khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, từ đó đè nặng áp lực tăng lương, tuyển dụng, giữ chân người lao động...

“Khi nghe rục rịch tăng lương thì giá cả bên ngoài đã tăng trước khiến đời sống người dân khó khăn, nhất là với địa phương còn nghèo, vùng sâu, vùng xa”- bà Trang kiến nghị cần giải pháp linh hoạt bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng thiết yếu.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng để thực hiện cải cách tiền lương thì việc ổn định kinh tế vĩ mô tác động rất lớn. Ông cũng bày tỏ vui mừng khi Bộ trưởng Nội vụ thông báo tin vui sắp tới thực hiện chính sách tiền lương với 4 đối tượng, đặc biệt là tăng lương cho người nghỉ hưu, trợ cấp cho người có công.

Ở TP.HCM lương 7- 8 triệu cũng không sống được

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng lương và thu nhập là vấn đề cần báo động. “Theo định nghĩa của Mác, lương để tái sản xuất sức lao động, bao gồm cả việc phải nuôi được gia đình và người lao động. Nhưng hiện nay của chúng ta không đạt”- ông Nghĩa nói.

Ông cho rằng đây là lý do lương của một bộ phận cán bộ công chức, người lao động không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu để chăm lo cho gia đình. Một bộ phận lựa chọn giải pháp không làm cho nhà nước nữa, dẫn tới tiền lương, thu nhập lại đang là vật cản rất lớn đối với một trong ba khâu đột phá là nhân lực.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: QH

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: QH

Ông Nghĩa phân tích TP.HCM đã có cơ chế đột phá thu hút nguồn nhân lực nhưng không thu hút được mấy. Ông nhất trí càng sớm tăng lương cơ bản càng tốt, nhưng không chỉ tăng từ 1,4 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng.

"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức lương chính thức không đủ sống, phải tăng cho họ nhanh và nhiều hơn. Cán bộ hưu trí lương cao rồi thì tăng chậm hơn và ít hơn, có người về hưu lương 15 triệu. Không thể tăng đồng đều cả, nếu tăng đều thì không đủ lực, cần giải quyết cấp bách cho khu vực thấp”- ĐB TP.HCM nói.

“Lương tối thiểu phải xác định trên mức sống cơ bản, tối thiểu. Mức sống tối thiểu từng nơi là khác nhau. Một người ở các tỉnh họ có vườn chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng ở TP.HCM đi cắt tóc, xe ôm cũng ‘mắc’ thì lương 7- 8 triệu cũng không sống được”.

ĐB TP.HCM cho rằng những vấn đề này phải giải quyết bằng thể chế, nếu không sẽ xảy ra nhiều chuyện. Quốc hội cần tập trung sát cánh cùng Chính phủ trong tháo gỡ vấn đề về thể chế.

Điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay theo tinh thần Nghị quyết 27 Trung ương khóa XII, khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chúng ta vẫn chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương cũng như chưa điều chỉnh được mức lương cơ sở.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

"Theo kế hoạch, năm 2021 sẽ bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương. Nhưng do tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương và có lẽ sẽ phải tiếp tục lùi trong một thời hạn nhất định"- bà Trà thông tin.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho hay, tuy lùi thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương nhưng Chính phủ đã trình việc điều chỉnh mức lương cơ sở.

"Tôi cho rằng thời điểm này, chúng ta quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng là rất hợp lý. Mức điều chỉnh này được khoảng 20,8%, đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi theo khung cải cách chính sách tiền lương, mức thấp nhất vẫn cao hơn so với mức lương hiện hành khoảng 29%, còn mức cao nhất khoảng trên 40%"- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

"Nếu trong năm 2022-2023, chúng ta tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, không có những yếu tố tác động mang tính khách quan như vừa qua thì năm 2024, tôi nghĩ chúng ta có thể triển khai được cải cách chính sách tiền lương"- bà Trà dự báo.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng việc điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý, sẽ tạo được động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời giảm bớt hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm