Chiều 30-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP-AN) và động viên công nghiệp.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đã bày tỏ đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng quỹ CNQP-AN.
Theo các đại biểu, việc thành lập Quỹ sẽ giúp tập trung huy động nguồn lực, tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao. Từ đó, tạo cơ chế đặc thù triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Các đại biểu cũng cho rằng CNQP-AN có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi nền tảng khoa học quân sự, vũ khí công nghệ cao là một trong những yếu tố then chốt để phòng ngừa và giành lợi thế trong các cuộc chiến. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng đều có quỹ này. Do đó, việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để xây dựng CNQP-AN sẽ góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa việc hình thành quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách Nhà nước, phục vụ cho phát triển CNQP-AN cũng là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình dự án đầu tư mang tính cấp bách…
Giải trình, làm rõ một số vấn đề sau đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Nói về quỹ CNQP-AN, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định việc này là cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm CNQP-AN. Bởi các sản phẩm này luôn có tính mới và mang tính rủi ro rất cao.
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu sản phẩm về quốc phòng, an ninh nhưng có khi chưa được sử dụng thì sản phẩm đó đã bị lạc hậu.
Dẫn chứng, trước 24-2-2022, tất cả các nước trong đó có Việt Nam đều tập trung nghiên cứu giáp phản ứng nổ cho các loại xe quân sự, xe chiến đấu để hạn chế khả năng bị đối phương tiêu diệt. Tuy nhiên, khi xung đột Nga - Ukrainer xảy ra thì việc này đã thất bại.
Hay trước đây chúng ta phải nhập khẩu rất nhiều loại vũ khí, thiết giáp, kể cả áo giáp cho cá nhân nhưng nay đã sản xuất được những áo giáp cá nhân nhẹ chỉ bằng 2/3, thậm chí chỉ bằng một nửa so với loại từng nhập khẩu. “Tính tự chủ của Việt Nam là rất cao” – Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, việc chế tạo các loại sản phẩm này phải làm đi làm lại, có sự rủi ro cao mà đôi khi kết quả không như mong đợi. Nếu sử dụng ngân sách mà thực hiện theo quy trình duyệt của Nhà nước thì đôi khi sẽ không đáp ứng kịp thời tính thời sự của nhiệm vụ an ninh – quốc phòng, độ mật cũng bị hạn chế. “Các nước phát triển trên thế giới họ đều có quỹ này” – ông Phan Văn Giang nói thêm.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến tán thành quy định về xây dựng Quỹ CNQP-AN để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển CNQP-AN.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều có các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực này.