Đại biểu đề nghị giám sát việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ từ trung ương tới cấp huyện

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội nên lựa chọn chuyên đề giám sát về nguồn nhân lực, tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ ở cấp Trung ương và rường cột của tỉnh, của huyện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 30-5, Quốc hội đã nghe tờ trình và thảo luận tại nghị trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Quốc hội nên lựa chọn chuyên đề giám sát về nguồn nhân lực, bởi đây chính là gốc rễ của mọi vấn đề.

“Bác Hồ nói rồi, cán bộ là cái gốc của công việc, mọi sự thành bại đều do cán bộ. Cho nên, chúng ta có chọn chuyên đề bảo vệ môi trường mà không giải quyết rốt ráo vấn đề nhân lực thì nó cũng không có ý nghĩa” – ĐB Vân nói và cho rằng vấn đề nhân lực chất lượng cao hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, người dân sẽ rất tán đồng nếu Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này.

de-nghi-quoc-hoi-van.jpeg
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Ông Vân cũng đề nghị, nếu lựa chọn chuyên đề giám sát về nhân lực thì cần tập trung hai nhóm đối tượng. Nhóm đối tượng thứ nhất là người lành nghề, thạo việc, tức là biết quy trình, quy phạm để vận hành công việc cho đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Nếu ở vị trí này, hoặc vị trí kia mà không làm gì cả thì đấy không phải là lành nghề thạo việc.

Nhóm thứ hai là nhóm nhân tài, tập trung vào năm lĩnh vực, gồm: Nhân tài trong lãnh đạo, tức những người khởi xướng chính sách, vẽ đường cho đất nước, địa phương và ngành; Nhân tài trong quản lý phát triển, tức những người nắm được quy tắc, hành vi vận hành bộ máy này và có sáng kiến, có đổi mới; Nhân tài là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, lành nghề thạo việc và có cải tiến; Nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ và các ngành mà Việt Nam đang cần huy động nhân lực chất lượng để phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng; Nhân tài trong lĩnh vực văn hoá giáo dục mà chúng ta đang cần.

Theo ĐB Vân, giám sát nội dung này là làm sao giám sát được quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đối xử như thế nào đối với nhân tài ở năm lĩnh vực đó.

“Đặc biệt, tôi đã từng đề nghị Quốc hội tiến hành tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ. Trước hết là cán bộ ở cấp Trung ương và rường cột của tỉnh, của huyện. Tôi cho rằng nếu làm được việc này thì sẽ tạo chuyển biến rất cân bằng cho cả hệ thống chính trị nước ta” – ĐB Vân nhấn mạnh.

Trình bày tờ trình về nội dung giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao một chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát một chuyên đề tại Phiên họp tháng 8-2025.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn hai chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn một chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Chuyên đề này dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chuyên đề này dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm