Ngày 12-1, tướng về hưu James Mattis có cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho vị trí bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Mattis đưa Nga, Trung Quốc cùng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vào ba vị trí đứng đầu trong danh sách các mối đe dọa nước Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai.
“Tôi nghĩ trật tự thế giới đang phải chịu sự tấn công lớn nhất kể từ chiến tranh Thế giới thứ hai, đó là từ Nga, từ các nhóm khủng bố và từ những gì Trung Quốc đang làm ở biển Đông” - Tướng Mattis nói.
Theo ông, Nga là mối đe dọa hàng đầu. Dù ủng hộ chủ trương của ông Trump là cải thiện quan hệ với Nga, Tướng Mattis cảnh báo Mỹ vẫn phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng đối đầu với Nga khi cần thiết. “Tôi sẵn lòng gắn kết nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế rằng Nga có thể làm gì” - theo Tướng Mattis.
Tướng James Mattis (phải) điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện tại Quốc hội ngày 12-1. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng tương lai nhận định các thách thức và đe dọa từ Nga có thể gồm tấn công mạng, vi phạm các hiệp ước an ninh, có hành động làm mất ổn định các nước và nguy cơ vũ khí hạt nhân. Tướng Mattis cũng cáo buộc Nga đang cố hủy hoại NATO.
Khác với Tổng thống đắc cử Donald Trump vốn không đề cao vai trò của liên minh quân sự và muốn giảm quy mô NATO, Tướng Mattis ủng hộ mạnh NATO, rằng NATO là trung tâm của chiến lược quốc phòng Mỹ. Tướng Mattis cho biết ông muốn gặp đội cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump để thống nhất chiến lược đối phó với Nga trong từng trường hợp cụ thể.
Đứng sau Nga là Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc đang thách thức sự ổn định toàn cầu và Mỹ cần cẩn thận trong quan hệ với Trung Quốc. Ông đặc biệt lo ngại các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngòa ra, Tướng Mattis cũng lo ngại về Iran và sự gia tăng ảnh hưởng của nước này ở khu vực. “Iran là thế lực lớn nhất đe dọa sự ổn định Trung Đông. Các chính sách của Iran đi ngược với các quyền lợi của Mỹ”, Tướng Mattis nói trong phiên điều trần. Tuy nhiên, ông không ủng hộ chủ trương của ông Trump là hủy thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran. Theo ông, thỏa thuận này chưa hoàn hảo nhưng Mỹ nên duy trì và tuân thủ: “Mỹ một khi đã nói ra thì cần phải giữ lời”.
Ông Mattis cũng kêu gọi Quốc hội bỏ giới hạn chi tiêu quốc phòng để tăng năng lực đối phó của quân đội Mỹ. Ông không tin là quân đội Mỹ đủ sức mạnh để ngăn chặn các kẻ thù.
Như vậy, với việc ông Mattis chủ trương sẵn sàng đối đầu Nga, chính phủ mới của Mỹ lại có thêm một nhân vật quan trọng có quan điểm khác với ông Trump. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 11-1 cho vị trí ngoại trưởng, ông Rex Tillerson cũng bày tỏ nhiều quan điểm bất đồng với ông Trump về nhiều chính sách ngoại giao như giải trừ hạt nhân, thỏa thuận thương mại, biến đổi khí hậu, nhập cư,...
Cố vấn cao cấp Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định Tướng Mattis có thể sẽ kiềm chế được sự bốc đồng của ông Trump. Với tư cách cá nhân, Tướng Mattis đã từng thuyết phục ông Trump không dùng các biện pháp thẩm vấn tra tấn như trấn nước.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện (trái) và Tướng James Mattis trước khi bắt đầu điều trần ngày 12-1 tại Quốc hội. Ảnh: REUTERS
Tướng Mattis từ giã con đường binh nghiệp vào năm 2013, khi đã đến tuổi hưu. Việc Trump đề xuất ông làm bộ trưởng Quốc phòng là một bước đi chưa từng có tiền lệ. Theo luật, để đủ tư cách nhận chức bộ trưởng Quốc phòng thì ông phải về hưu được ít nhất bảy năm.
Sau cuộc điều trần, trong ngày 12-1, với tỉ lệ 81 phiếu thuận/17 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua ngoại lệ, chấp nhận Tướng Mattis chính thức trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ sắp tới của ông Trump. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1950, Thượng viện Mỹ thông qua ngoại lệ cho một tướng quân đội mới về hưu được ba năm được nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.
Nghị sĩ Cộng hòa John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói ông “không thể hạnh phúc hơn nữa” khi Tướng Mattis sẽ trở thành bộ trưởng Quốc phòng. Nghị sĩ McCain cũng cảnh báo chính phủ Mỹ của ông Trump đừng quá lạc quan về khả năng gắn kết với Nga: “Putin muốn trở thành kẻ thù của chúng ta. Ông ta muốn chúng ta là kẻ thù. Ông ta sẽ không bao giờ là đối tác của chúng ta”.