Sáng qua 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong xem xét tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỉ đồng/năm
Theo tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường của Chính phủ, thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sẽ được tăng ở mức kịch trần.
Cụ thể thuế môi trường đối với xăng, Chính phủ đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn: Đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; mỡ nhờn: Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg. Dầu hỏa: Đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít.
Ngoài xăng dầu, Chính phủ cũng đề nghị tăng thuế đối với một số mặt hàng khác như than antraxit, than nâu, than mỡ, dung dịch HCFC, túi nylon… Tuy nhiên, mức đề nghị tăng thuế của các mặt hàng này đều thấp hơn so với năm loại mặt hàng thuộc nhóm xăng dầu - đều bị đề nghị tăng ở mức kịch trần khung cho phép hiện nay.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT nêu trên thì nó sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 là khoảng 0,11%-0,15%.
“Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Đồng thời sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỉ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách lại cho rằng đề nghị tăng thuế môi trường đối với một số mặt hàng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Trước nói không tăng, sao giờ lại tăng ?
Cho ý kiến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn cam kết của Thủ tướng Chính phủ cách đây hơn một tháng là không điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng và nói: “Giờ chúng ta lại tăng thuế, tăng thuế chính là tăng giá. Từ ngày 1-7 tăng lương cơ bản, mùa mưa bão đang đến… thì giá cả các mặt hàng sẽ rất khó kiểm soát được. Đề nghị cần lựa chọn thời điểm thích hợp, phải hết sức cân nhắc việc tăng thuế”.
Chung ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý: “Xăng là mặt hàng thiết yếu. Nếu tăng thuế thì sẽ tác động mạnh đến xã hội ngay. Bản thân chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thiết yếu xăng dầu tôi đã thấy băn khoăn rồi, giờ tăng thuế BVMT đối với xăng dầu thì cần phải cân nhắc thêm”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Đương nhiên tăng thuế sẽ tác động đến CPI. Chính phủ khẳng định có ảnh hưởng đến CPI không? Có đảm bảo từ nay đến cuối năm giữ CPI dưới 4% không?”.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính cảm thán: “Ai cũng sợ dư luận xã hội, chẳng ai dám đối đầu, tôi cũng thấy băn khoăn”.
Rồi ông Dũng cho hay nếu nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mỗi năm Nhà nước sẽ tăng thu khoảng 15.000 tỉ đồng, riêng năm 2018 sẽ thu trên dưới 3.000 tỉ đồng.
“Số tiền này sẽ đưa vào đầu tư các công trình chống biến đổi khí hậu, BVMT. Điều này sẽ ghi luôn vào nghị quyết” - ông Dũng nói.
Về thời điểm thu thuế, ông Dũng cho hay bản thân ông cũng cảm thấy băn khoăn. Theo ông, nếu việc tăng thuế BVMT được trình từ tháng 5-2018 thì “ổn” hơn. Hiện Chính phủ cũng đưa ra các thời điểm tăng từ ngày 1-8-2018 và 1-10-2018 hoặc 1-1-2019. Hai mốc đầu sẽ tránh được thời điểm khai giảng năm học mới. Ông đề nghị mốc ngày 1-10-2018.
Về câu hỏi “Có giữ được CPI dưới 4% không”, ông Dũng trả lời: “Hiện giờ tình hình trong nước và thế giới phức tạp, khó đoán, vì vậy để trả lời câu hỏi này là không khả thi. Giá xăng dầu từ giờ đến cuối năm chẳng ai đảm bảo nó tăng hay giảm và ta không dự báo được. Căn cứ điều kiện hiện tại thì ta cũng phải chấp nhận thực tế như vậy…”.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Giá xăng dầu từ giờ đến cuối năm chẳng ai đảm bảo nó tăng hay giảm và ta không dự báo được. Căn cứ điều kiện hiện tại thì ta cũng phải chấp nhận thực tế như vậy…”.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị biểu quyết việc tăng thuế BVMT đối với một số mặt hàng, trong đó có xăng dầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Tôi thấy nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều đại biểu không nói nhưng tôi thấy có nhiều băn khoăn. Vì vậy chúng ta nên tạm dừng biểu quyết ở đây để thảo luận và cân nhắc thêm vào kỳ họp tháng 8-2018”.
Đề nghị này của Chủ tịch Quốc hội đã được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí.