Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng thông tin khi trả lời chất vấn ĐBQH chiều 10/6. Ảnh: Nguyễn Dũng |
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Tài chính về hai mặt hàng thiết yếu xăng, điện. Trong đó, ĐB Nga đề cập đến thực trạng thiếu minh bạch, nhập nhằng lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu. ĐB cũng tỏ ra thất vọng, vì đã “đòi nợ lời hứa nhiều năm” nhưng chưa có kết quả, điều này cũng gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Trước những quy định được đưa ra từ Nghị định 84, ĐB Nga đề nghị 2 Bộ trưởng Tài chính – Công thương trả lời thế nào về việc chậm thực hiện lời hứa với dân? Bà cũng chuyển câu hỏi này tới Thủ tướng Chính phủ.
Về giá điện, sai phạm của EVN trong quản lý vận hành nhà ở, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo, rà soát việc này để có giải pháp xử lý. Sau 6 tháng, rà soát xong chưa, có phát hiện thêm gì khác và việc xử lý thế nào?
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa Vũng Tàu) nêu câu hỏi: Nợ công có an toàn không. Giải pháp nào cho an ninh tài chính quốc gia?
ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi "Nợ công đến hết 2012, bằng 50,8% GDP, nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng, con số này chưa tính hết phần vốn vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh. Vậy con số này bao nhiêu? Khoản nợ sắp đáo hạn của Vinashin, Vinalines Chính phủ có trả nợ thay không?"
Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi tiến hành thanh tra, Bộ đã cáo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra đối với EVN. Theo kết quả thanh tra, phần nhà liền kề, chung cư, công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis không được tính vào giá điện, và EVN phải hạch toán riêng. Bộ cũng đề nghị EVN xây dựng quy chế, quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn định mức cho phù hợp với quy định của Bộ Xây dựng.
Xoay quanh Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính khẳng định, vừa qua trong điều hành cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, đề cao điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của nhà nước. Giá trong thời gian qua rất sát với thị trường. Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, có nghị định 84 cũng tránh được những cú sốc giá cả.
Kiểm toán Nhà nước cũng có kiểm toán chuyên đề về bình ổn giá như một cái “van điều tiết” khi giá lên cao xuống thấp, tránh cú sốc cho nền kinh tế cũng như lạm phát. 5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tận dụng triệt để "van" này.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Công thương chỉnh sửa lần cuối nghị định này, trên cơ sở lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ và sẽ ban hành trong thời gian tới. Xu hướng điều hành giá sẽ là giảm khoảng cách thời gian giữa hai lần điều chỉnh càng ngắn càng tốt, vì càng ngắn sẽ càng sát giá thị trường. Trước đây việc điều chỉnh tối đa trong vòng 10 – 15 ngày, nhưng sau khi chỉnh sửa, có thể điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày.
Bên cạnh đó, việc đổi mới sắp xếp lại DN, sẽ được thực hiện theo hướng cạnh tranh trên thị trường xăng dầu. Như vậy người hưởng lợi chính là người tiêu dùng…
Liên quan đến nợ công, theo Bộ trưởng việc đánh giá phải tính đến cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Ông Dũng khẳng định “nợ công VN vẫn nằm trong ngưỡng an toàn”, nằm trong ngưỡng QH cho phép (65%).
Về khoản nợ của Vinashin, theo Bộ trưởng Dũng, kinh nghiệm thế giới, khi cần thiết Chính phủ phải can thiệp vào DN lớn của nhà nước. Chính phủ Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu theo quyết định của Bộ Chính trị và sẽ giảm 70% nghĩa vụ nợ của vinashin.
Theo Thành Nam/Infonet