Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 có phương án xin nhận chìm vật chất nạo vét gần Khu bảo tồn Hòn Cau ở biển Bình Thuận.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời trước Quốc hội
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đặt vấn đề: Hơn tám tháng qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị Bộ TN&MT đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào đề án giám sát đặc biệt vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Việc đưa vào đề án đặc biệt nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và DN có cấp độ đặc biệt, để đảm bảo cao nhất an toàn môi trường ở khu vực này.
“Bộ trưởng cho biết có chấp nhận đề nghị trên không? Nếu chấp nhận thì lúc nào phê duyệt đề án và triển khai thực hiện?
Mới đây, Bộ TN&MT có văn bản hỏi ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận về vị trí nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết vấn đề này, Bình Thuận đang mong chờ ý kiến của Bộ trưởng” - đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh nêu.
Trả lời ĐB Huỳnh Thanh Cảnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án kiểm soát đặc biệt, trong đó lĩnh vực về nhiệt điện có tên trong danh sách đó.
“Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ chính thức bàn với địa phương các kế hoạch cụ thể” - ông Hà thông tin.
Về vị trí nhận chìm, Vĩnh Tân 3 đang đề xuất, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh phối hợp với DN lựa chọn và phê duyệt các phương án thay nhận chìm bằng phương án lấn biển, chống những khu vực bị sạt lở; hoặc lấn biển để tạo ra các diện tích có ý nghĩa sử dụng cho kinh tế.
“Nếu địa phương và DN không tìm được khu vực để lấn biển thì để tồn tại Nhà máy điện Vĩnh Tân 3 khoảng 50 năm nữa chúng ta cần có giải pháp khác. Những giải pháp đó, thông lệ các nước và Việt Nam đã quy định chặt chẽ” - người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường nói.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xây dựng theo hình thức BOT, sử dụng than nhập khẩu từ Indonesia và Úc; gồm ba tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỉ USD là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân do Công ty Công trình điện quốc tế Harbin (Trung Quốc) xây dựng. Trước đây, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu m3 xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, các nhà khoa học và người dân nên phải dừng lại, thay bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 lại xin nhận chìm vật chất nạo vét và vị trí xin nhận chìm cách khoảng 5 km về hướng Bắc mà Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã xin đổ. PHƯƠNG NAM |