Bộ trưởng Tô Lâm: Cần cắt đứt các doanh nghiệp sân sau

(PLO)- Đây là một trong những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị với Quốc hội để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-11, Quốc hội dành nhiều thời gian để chất vấn các “tư lệnh” ngành ở nhóm lĩnh vực tư pháp; an niNnh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

Trong đó, nhiều nội dung chất vấn được các vị đại biểu gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đề xuất bổ sung tội làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) nói hiện nay tình hình thông tin cá nhân của người dân (số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số CCCD…) bị lộ, lọt đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo; bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau.

p6-anhchinh-2-to-lam-5463-2016.png
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Đào Chí Nghĩa và đại biểu Đỗ Huy Khánh. Ảnh: QH

Không đại biểu nào chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao

Nhóm lĩnh vực thứ ba trong phiên chất vấn ngày 7-11 có trách nhiệm trả lời của Viện trưởng VKSND Tối cao. Tuy nhiên, trong số các đại biểu tham gia chất vấn, không có câu hỏi nào dành cho Viện trưởng Lê Minh Trí.

Trước đó, ngày 6-11, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có báo cáo tóm tắt việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư.

Theo đó, ngành kiểm sát đã đạt được nhiều kết quả tích cực như số vụ án VKS truy tố đúng thời hạn đạt tỉ lệ 100% và số bị can VKS truy tố đúng tội danh đạt tỉ lệ 99,99%... Tuy nhiên cũng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, trong đó có việc cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá…

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm nêu giải pháp để giải quyết tình trạng trên.

Đánh giá công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết không phải mỗi nước ta mà các nước trên thế giới cũng rất quan tâm, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số.

“Đây là vấn đề thực tiễn rất cấp bách đặt ra ở Việt Nam hiện nay. Chúng tôi cũng đánh giá tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay của Việt Nam rất nghiêm trọng” - ông Tô Lâm nói.

Nêu nguyên nhân của tình trạng này, “tư lệnh” ngành công an cho biết hiện tội phạm xâm nhập, đánh cắp dữ liệu rất lớn. Trong năm 2023, riêng Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ có liên quan đến việc xâm phạm các cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu này chưa cao.

“Người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác, cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự. Mình cũng hơi dễ dãi trong việc này nên chúng tôi cũng đã tập trung xử lý những vấn đề này rất nhiều” - Bộ trưởng Tô Lâm nhận định.

Cũng theo ông, việc xử lý tình trạng lộ, lọt thông tin hiện nay mới đang áp dụng chủ yếu Điều 288 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông để xử lý.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu năm giải pháp để khẩn trương xử lý hiệu quả lĩnh vực này. Trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng thêm tội danh làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác.

Cần có chế tài mạnh trong phòng, chống tham nhũng

p6-anhchinh-3-do-huy-khanh-7108-9089.png
Đại biểu Đỗ Huy Khánh. Ảnh: QH
p6-anhchinh-1-dao-chi-nghia-2923-8761.png
Đại biểu Đào Chí Nghĩa. Ảnh: QH

Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu các tiêu chí trong công tác điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng là không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và thực hiện chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng”.

Ông Khánh đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm cho biết giải pháp trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới như thế nào để đảm bảo các tiêu chí nêu trên.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm nói đây là hoạt động trọng tâm lực lượng công an triển khai thời gian qua và Bộ Công an đã gương mẫu đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên cả ba phương diện là tích cực điều tra, xử lý; làm sạch ngay cả nội bộ ngành và cải cách thủ tục hành chính.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai vừa qua thực hiện tốt. Điều này góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị với Quốc hội một số giải pháp như tập trung hoàn thiện thể chế, không để sơ hở, thiếu sót cho các đối tượng lợi dụng phạm tội; vấn đề thấy rõ có sơ hở, thiếu sót thì khẩn trương khắc phục ngay.

Đặc biệt, cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

“Cần quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án xảy ra vừa qua - vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu” - Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị.

Cũng theo ông, hiện nhóm tham nhũng, tiêu cực xử lý với các tội chính là tham ô tài sản và đưa - nhận hối lộ.

“Chúng tôi chưa bắt đối tượng nào vừa qua liên quan việc đó mà không nhận tiền. Ở đâu đó nói rằng bây giờ xử lý quá, cán bộ sợ không dám làm là không phải. Không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà là nhận hối lộ thì việc đó xử lý, nhân dân rất đồng tình” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phần mềm trợ lý ảo là điểm sáng giảm tải cho tòa án

Chất vấn Chánh án TAND Tối cao, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nói: Với xu thế người dân ngày càng lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa, theo báo cáo công tác của chánh án, vụ việc hằng năm thụ lý, giải quyết đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, với nguồn lực về nhân sự và điều kiện đảm bảo như hiện nay thì rất khó khăn.

p6-anhbox-ChanhAn-Nguyen-Hoa-binh.png
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QH

“Đề nghị chánh án cho biết giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp” - đại biểu Trần Đình Gia nêu.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết TAND Tối cao đã đề ra 17 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Trong các giải pháp đó, đáng chú ý là công tác hòa giải được tăng cường. Theo Chánh án TAND Tối cao, từ khi Luật Hòa giải đi vào hoạt động, các vụ án được hòa giải chiếm hơn 20%, giảm áp lực đáng kể.

Ngoài ra, ngành tòa án cũng tăng cường công nghệ thông tin, đặc biệt đưa vào sử dụng phần mềm trợ lý ảo.

Dẫn ý kiến của Chính phủ tại hội nghị chuyển đổi số trước đây, Chánh án TAND Tối cao khẳng định trợ lý ảo của tòa án là một trong những điểm sáng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số quốc gia. Với sự hỗ trợ của phần mềm trợ lý ảo, đến nay có hơn 3,4 triệu lượt thẩm phán, thư ký sử dụng. Năng suất lao động đã tăng lên, trước đây để mã hóa và đưa lên mạng một bản án phải mất một buổi, hiện nay 1 giờ đồng hồ đưa lên 10 bản án.

Chánh án TAND Tối cao cũng đề cập đến giải pháp tăng cường đổi mới đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán, đề cao trách nhiệm cũng như động viên anh em hoàn thành nhiệm vụ.

“Hiện áp lực công việc ở tất cả tòa án, không có cách nào khác chúng tôi phải động viên anh em” - Chánh án TAND Tối cao nói.

Tranh luận có tính chất góp ý, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hoan nghênh Chánh án TAND Tối cao đã đề cập đến việc hòa giải ngoài tòa.

Ông đề nghị Chánh án TAND Tối cao lưu ý đến công tác trọng tài và coi đó là một cách giảm tải cho công việc của tòa án hiện đã rất nặng nề. Ông Lộc cũng nói nếu trọng tài và các phán quyết trọng tài được quan tâm, coi trọng… thì chẳng những giảm tải cho tòa án mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển trong bối cảnh thương mại xuyên biên giới sử dụng cơ chế trọng tài rất nhiều.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong phần trả lời sau đó ghi nhận ý kiến này của đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm