Bộ trưởng Tô Lâm: Thị trường quyết định giá trị biển số xe đấu giá

(PLO)- Theo bộ trưởng Bộ Công an, thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

“Giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá”

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích, biển số đẹp và sẵn sàng trả giá cao. Do vậy, việc đấu giá biển số đẹp vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng vừa tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày dự thảo trước Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày dự thảo trước Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Mặc dù đã có chủ trương từ năm 1993, việc đấu giá biển số vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về pháp lý. Lần này, dự thảo nghị quyết được xây dựng với một số quy định riêng để áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ô tô trong thời gian ba năm.

Về biển số đưa ra đấu giá, Bộ Công an đề nghị chọn một loại là biển số ô tô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen). Đây phải là những biển chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.

Về giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay dự thảo nghị quyết quy định mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM; ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.

“Việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ “đẹp” theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định” - Bộ trưởng Bộ Công an nói và cho hay giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó.

“Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm” - vẫn lời Đại tướng Tô Lâm.

Dự thảo lần này cũng quy định mức tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá.

Về việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết dự thảo đã sửa đổi theo hướng quy định “số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương”, thay vì phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương dự kiến trước đó.

Dự thảo mới quy định số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, thay vì phân bổ theo tỉ lệ về cho địa phương như dự kiến trước đây.

Đề xuất không phân biệt giá khởi điểm theo vùng

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, cho biết ủy ban này nhất trí thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe trên phạm vi toàn quốc.

“Nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá, không đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và không khai thác triệt để nguồn thu cho ngân sách” - ông Tới lý giải.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, không thí điểm đấu giá đối với biển số nền vàng chữ đen, biển số xe máy.

Riêng về mức giá khởi điểm, khác phương án của Chính phủ, cơ quan thẩm tra cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) và vùng 2 (các địa phương còn lại) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa các vùng. Do vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến với phương thức đấu giá là trả giá lên. Theo cơ quan này, số lượng biển số ô tô đưa ra đấu giá là rất nhiều, hàng ngàn biển số; số lượng người tham gia đấu giá cũng rất đông và cư trú trên phạm vi toàn quốc nên các hình thức đấu giá khác sẽ không bảo đảm tính khả thi và gây tốn kém cho người tham gia đấu giá.

“Đề nghị Bộ Công an có phương án bảo vệ an toàn, an ninh mạng, có biện pháp kỹ thuật để bảo đảm cho các cuộc đấu giá trực tuyến an toàn, thành công” - ông Lê Tấn Tới nói.•

Bán xe được giữ lại biển số đã trúng đấu giá

Đại tướng Tô Lâm cho biết người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển số ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm