Cấm mua bán biển số xe trúng đấu giá: Phù hợp với luật

(PLO)- Theo các chuyên gia, việc không cho phép chuyển nhượng biển số xe là phù hợp với các quy định của Luật Giao thông đường bộ và BLDS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Và ngày 22-9 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 liên quan dự thảo nghị quyết này.

Thông tin về dự thảo Nghị quyết đấu giá biển số xe đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và giới chuyên môn. Đa số chuyên gia pháp lý đều ủng hộ việc đấu giá để có được biển số đẹp.

Đa số chuyên gia pháp lý đều ủng hộ việc đấu giá để có được biển số đẹp. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Đa số chuyên gia pháp lý đều ủng hộ việc đấu giá để có được biển số đẹp.

Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Không được mua bán biển số trúng đấu giá

Theo tờ trình, người trúng đấu giá được gắn biển số vào phương tiện giao thông; khi chuyển nhượng xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Tuy vậy, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi.

Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và BLDS

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết việc xây dựng thí điểm đấu giá biển số xe là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số đẹp.

Theo ông, quy định chỉ cho phép người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá (biển theo xe) là phù hợp với quy định tại khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (nghiêm cấm việc mua bán biển số xe cơ giới).

Đồng thời quy định này cũng không trái với nguyên tắc của BLDS về quyền sở hữu đối với tài sản (chủ sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản).

Biển số xe là một loại dấu hiệu để nhận diện xe, nếu biển số đứng riêng một mình mà không gắn với phương tiện thì cũng không có giá trị và ý nghĩa.

Biển số xe là một loại dấu hiệu để nhận diện xe và do cơ quan có thẩm quyền cấp với mục đích chính là quản lý phương tiện. Nếu biển số đứng riêng một mình mà không gắn với phương tiện nhất định thì cũng không có giá trị và ý nghĩa. Do vậy, nếu xác định là tài sản thì biển số cần phải gắn liền với xe.

Cũng theo TS Tiến, quy định người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là phù hợp. Việc này giúp tránh tình trạng kinh doanh biển số thông qua đấu giá, ngăn chặn được việc cá nhân lợi dụng đấu giá để kinh doanh biển số đẹp.

Cùng vấn đề trên, luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn LS TP.HCM, cho biết căn cứ theo BLDS 2015, có thể coi biển số xe là một tài sản dưới góc độ là “vật”.

Tuy nhiên, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, biển số xe hiện nay được coi là tài sản thuộc nhóm 7 Điều 4 (kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước). Đây là một tài sản rất đặc thù, bởi lẽ vừa là tài sản vừa là công cụ để Nhà nước quản lý phương tiện giao thông, đồng thời xác định quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân đối với phương tiện đó. Do đó, không được xem là tài sản riêng của cá nhân để đưa vào thực hiện các giao dịch dân sự thông thường.

Dù là biển số kèm xe thì biển số xe vẫn được xem là tài sản công, còn chiếc xe mới là tài sản của cá nhân. Và vì không là tài sản của cá nhân nên việc không cho người trúng đấu giá quyền chuyển nhượng biển số xe không bị trái với quy định của BLDS về quyền định đoạt tài sản.

Ngoài ra, LS đề xuất hai phương án xử lý đối với biển số xe cũ trường hợp người trúng đấu giá đã có ô tô và đã có biển số nhưng muốn lắp “biển số đẹp” vào ô tô cũ.

Phương án thứ nhất, chủ phương tiện khi đăng ký xe sang biển số mới thay cho biển số cũ, đồng thời phải nộp lại biển số cũ, tức là Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi.

Phương án thứ hai là khi thực hiện thủ tục đăng ký biển số mới cho phương tiện, nếu phương tiện đó có biển số đang sử dụng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xóa đăng ký đối với biển số cũ. Phương án này tương tự khi cấp CCCD thì cắt góc CMND rồi trả lại cho người dân. Lúc này người dân được giữ lại biển số đó như “kỷ niệm” nhưng không còn giá trị sử dụng.

Theo LS Mạch, mặc dù biển số phải gắn với phương tiện có đăng ký thì mới có giá trị và sẽ không có giá trị nếu tách rời các yếu tố trên. Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thu hồi hoặc hủy đăng ký biển số sẽ đảm bảo thống nhất hơn trong công tác quản lý phương tiện giao thông, với nguyên tắc mỗi phương tiện chỉ được gắn với một biển số duy nhất trong thời gian sử dụng.

Đề xuất giá khởi điểm ở TP.HCM và Hà Nội là 40 triệu đồng

Theo tờ trình của Chính phủ, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký nhưng được dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, sáu tháng hoặc một năm (tùy thuộc vào đặc điểm tình hình của mỗi địa phương để địa phương quy định thời gian đấu giá).

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá.

Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được tính theo công thức tính chung, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Cụ thể: Vùng 1 (gồm Hà Nội, TP.HCM) là 40 triệu đồng, vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm