Ngày 4-6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn. Có 47 đại biểu (ĐB) chất vấn và có 11 vị bấm nút tranh luận với tư lệnh ngành công an.
Một số ĐB đã đặt vấn đề về tình trạng một bộ phận cán bộ công an thoái hóa, biến chất bảo kê cho tội phạm…
Truy trách nhiệm cùng giải pháp khắc phục
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn: “Vì sao số lượng tướng lĩnh của ngành công an thời gian qua đến mức phải xử lý bằng chế tài hình sự nhiều đến như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân này?”.
Về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng không trả lời. Theo bà, các tướng công an vi phạm hình sự đều đã bị xử lý, không có vùng cấm nào khi xử lý các trường hợp này. Về trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm, theo bà Ngân, để bổ nhiệm một vị tướng phải thực hiện theo quy trình Quốc hội đã ban hành. “Khi người ta tốt thì bổ nhiệm, sau có vi phạm thì xử lý, đây là chuyện rất bình thường. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý” - bà Ngân nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng việc bắt được khối lượng lớn ma túy thời gian qua là chiến công của ngành công an. Tuy nhiên, ông cho rằng không thể không tính toán đến trách nhiệm của các lực lượng đóng trên địa bàn đã để ma túy thẩm lậu tập kết, đóng gói hàng tấn tại địa phương đó. “Bộ trưởng có biện pháp gì với cán bộ…” - ĐB Bến Tre hỏi.
Ông Nhưỡng cũng băn khoăn cho rằng sự hoành hành của cờ bạc, tín dụng đen, băng nhóm tội phạm có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất: “Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng cho rằng việc nhiều sĩ quan cấp tướng giữ các vị trí quan trọng vi phạm pháp luật là vấn đề nóng trong dư luận và làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân. Cho rằng việc đấu tranh phòng, chống tội phạm phải bắt đầu từ việc đấu tranh phòng, chống vi phạm ngay trong lực lượng, ông chất vấn: “Trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này?”.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
“Tội phạm không từ thủ đoạn nào”
Trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng tội phạm có những diễn biến rất phức tạp. Đối với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an, chúng không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hóa.
“Từ cái đơn giản nhất là làm quen, rồi dụ dỗ, mua chuộc… Nếu không được thì dùng vũ lực để tấn công, đe dọa, không chỉ các chiến sĩ công an mà cả gia đình, vợ con, những người thân của họ cũng bị những áp lực này. Đe dọa bằng vũ lực rồi, tấn công không được nữa thì chúng xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín…” - ông Tô Lâm nói.
Cũng theo Bộ trưởng, quá trình đó cũng có những cán bộ, chiến sĩ không chịu đựng được, mất phẩm chất, có quan hệ với loại tội phạm, làm ngơ để tội phạm hoạt động, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động, thậm chí là có sự hợp tác với các đối tượng như tội phạm.
Ông khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như lực lượng công an là kiên quyết phải loại trừ, loại bỏ những cán bộ như vậy - những người không chịu được áp lực, bị tội phạm tấn công, lôi kéo, mua chuộc.
“Vừa qua chúng tôi đã xử lý rất nghiêm và không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Đây là sự kiên quyết, quyết liệt của lực lượng công an để khôi phục lòng tin của cán bộ, nhân dân đối với lực lượng công an, đồng thời phải bảo vệ cán bộ bị vu khống, xuyên tạc”- Bộ trưởng nói.
Với câu hỏi đầu tiên của ĐB Nhưỡng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã thay đổi, bố trí lại một số giám đốc công an tỉnh để tình hình tội phạm (trên địa bàn) gia tăng. “Thậm chí thay ngay, kỷ luật, điều động sang làm công tác khác. Những lực lượng chuyên ngành đảm bảo đấu tranh với các loại tội phạm đã được phân công, không giảm được xuống cũng phải xử lý” - ông nhấn mạnh.
“Cán bộ liên quan đến băng nhóm chỉ là cá biệt”
ĐB Mai Sỹ Diễn (Thanh Hóa) cho rằng đang có một số cán bộ công an có biểu hiện liên minh với người có tiền, có quyền và một số đối tượng cộm cán ngoài xã hội, giấu mình để can thiệp việc công nhằm trục lợi. Họ dằn mặt những ai tố cáo, kiến nghị những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tình trạng này.
Đáp lại, Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa khẳng định quan điểm chung của ngành công an là kiên quyết xử lý các sai phạm, tiêu cực trong nội bộ, không bao che bất kỳ trường hợp nào, kể cả cán bộ cao cấp có liên quan.
Đối với thông tin cán bộ công an có liên quan đến các băng nhóm tội phạm, ông Tô Lâm khẳng định: Nếu có chỉ là cá biệt.
Theo tư lệnh ngành, Bộ có rất nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát, luân chuyển địa bàn, lắng nghe ý kiến của nhân dân… để phòng ngừa. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ làm việc trực tiếp với ĐB để nắm thêm thông tin và sẽ xử lý nghiêm theo quy định” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng nhiều vụ vi phạm pháp luật mà đối tượng vi phạm là người có chức, có quyền, có tiền, xu hướng ngày càng tăng. Khi vụ việc xảy ra, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can không kịp thời và quá chậm. Thậm chí có trường hợp để kéo dài thời gian xử lý để kẻ vi phạm bỏ trốn, phải phát lệnh truy nã. ĐB Tạo sau đó hỏi suy nghĩ của Bộ trưởng về vấn đề này và giải pháp đột phá.
Trả lời, ông Tô Lâm cho hay để tránh trường hợp có thể bắt nhầm, bắt oan, pháp luật đã bỏ quy định bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nói cách khác, nếu chưa chứng minh được đối tượng có hành vi phạm tội, chưa khởi tố theo trình tự thì gần như không được áp dụng các biện pháp bắt.
“Các đối tượng trước khi gây án đều tính đến việc chạy tội, trốn tội. Chúng có những hình thức đối phó rất tinh vi” - ông nói và cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất biện pháp về mặt pháp luật cũng như nghiệp vụ để giải quyết vấn đề này. Các biện pháp phải đồng thời đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân và không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường các hoạt động nghiệp vụ của ngành công an được pháp luật cho phép để quản lý, theo dõi nghi can ngay từ đầu.