ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng một bước tiến của Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2013 là công nhận các quyền con người trong tố tụng hình sự, đặc biệt là quyền có luật sư tư vấn từ khi bị tạm giữ và tạm giam.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi chất vấn.
Tuy nhiên, trên thực tế, quyền này bị vi phạm trong nhiều vụ án hình sự, và nhiều luật sư phản ánh việc này. “Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân thực chất của tình trạng này như thế nào và cách khắc phục. Tôi xin nói thêm là các bị can từng giữ chức vụ cao thì các luật sư cũng không được tiếp cận như luật định…”, ĐB TP HCM nêu.
Bên cạnh đó, ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho biết nạn mãi lộ trong cảnh sát giao thông làm xấu đi hình ảnh của lực lượng công an nhân dân, nhưng tồn tại rất dai dẳng, làm cho cảnh sát giao thông không còn là biểu tượng của người giữ trật tự, thần hộ mệnh của người tham gia giao thông.
Người vi phạm giao thông có ác cảm với cảnh sát giao thông nhưng người chấp hành tốt thì cũng không tin tưởng cảnh sát giao thông. “Đề nghị Bộ trưởng có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này…” - ĐB chất vấn.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết quan điểm ngành công an nói chung là thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong quá trình điều tra.
Công an tôn trọng và thực hiện đầy đủ để Luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo theo đúng quy định. “Bộ Công an không có bất kỳ chỉ đạo hạn chế quyền luật sư”, ông Tô Lâm khẳng định.
Về nạn mãi lộ của cảnh sát giao thông, Bộ trưởng khẳng định ngành công an xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm và những người có liên đới. Hiện nay, quy định công an nếu vi phạm bị xử lý rất nghiêm khắc như tước quân tịch, thậm chí là xử lý hình sự.
“Chúng tôi đã chỉ đạo nhiều biện pháp để ngăn chặn hoạt động này… Bên cạnh đó, ban hành các quy định giám sát chặt chẽ để hạn chế vấn đề ĐB nêu…”, ông thông tin.