Bộ trưởng VHTT&DL trả lời về việc vận động viên đội tuyển bị bớt xén tiền ăn

(PLO)- Chiều 5-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, thuộc trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, thuộc trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

ĐB Nguyễn Minh Tâm đặt vấn đề thời gian qua dư luận xôn xao trước hàng loạt các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những thông tin như vậy đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng.

Nguyen-Minh-Tam.jpeg
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình).

Điều này cũng phản ánh hiện thực là chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả. Hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên, huấn luyện viên.

“Đề nghị, Bộ trưởng VHTT&DL cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên?”- ĐB Nguyễn Minh Tâm chất vấn.

Trả lời chất vấn của ĐBQH đoàn Quảng Bình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay hai sự việc báo chí nêu có tính chất cá biệt, nhưng vẫn là điều nhức nhối của ngành.

"Đó là hai sự việc xảy ra liên quan đến tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội và vụ việc tiền thưởng của đội thể dục dụng cụ, có phần liên quan đến Trung tâm Thể thao Hà Nội và một phần đội tuyển” - Bộ trưởng VHTT&DL nói.

Bộ trưởng VHTT&DL trả lời về việc vận động viên đội tuyển bị bớt xén tiền ăn
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Theo ông Hùng, sau khi phát hiện sự việc, Bộ VHTT&DL đã kiên quyết xử lý theo “phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ và làm nghiêm theo quy định”.

Bộ đã chỉ đạo kỷ luật hành chính, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi không có chuyện bao che hay dung túng cho việc này”, Bộ trưởng VHTT&DL nói và nhấn mạnh “đây là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện”.

Ông Hùng giải thích thêm, các quỹ này đội tuyển lập ra ban đầu với mục đích tốt đẹp như để thăm hỏi khi ốm đau, hay ma chay, hiếu hỉ, hoặc hỗ trợ thêm, bồi dưỡng thêm cho nhau… Luật không điều chỉnh những quỹ nội bộ như vậy, và nếu tự quản trên tinh thần tự nguyện, chặt chẽ thì lẽ ra đã không có tiêu cực.

bo-truong-vhtt-dl-tra-loi.jpg
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Về giải pháp, Ông Hùng cho hay Bộ VHTT&DL đã cho rà soát, chấn chỉnh. Bộ đã sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó nêu rất rõ từng điều khoản chương mục từ tập luyện đến công tác quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cũng được yêu cầu tăng cường, vì lâu nay mới quan tâm vào chất lượng, thành tích, còn ít kiểm tra về tuân thủ chế độ, chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên.

“Thứ nữa là công khai minh bạch từ đầu vào. Phải thông báo cho các em được bao nhiêu, chế độ tiền ăn bao nhiêu/ngày, chế độ tiền thưởng là bao nhiêu để người ta biết mà quản lý giám sát. Cuối cùng là nghiêm cấm việc lập quỹ mặc dù có mục đích tốt đẹp ban đầu” – Bộ trưởng VHTT&DL nói và cho biết hiện nay toàn ngành đang thực hiện các giải pháp này.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) về chính sách đào tạo, việc làm, tiền thưởng cho vận động viên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh các chính sách này đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc. Qua đó, đã góp phần động viên đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những thành tích đáng phấn khởi.

Tuy nhiên, ông Hùng cho hay để giải quyết được việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Các khó khăn nổi lên là do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của họ chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian thi đấu đỉnh cao, nghề nghiệp đó cũng chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên.

Về lâu dài, chúng ta cũng biết không phải tất cả các vận động viên đều trở về cơ quan làm công tác huấn luyện. Do vậy, cũng phải thay đổi cách tiếp cận giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Bộ VHTT&DL đang đề xuất với Chính phủ phối hợp với các bộ ngành tập trung đánh giá tác động chính sách vừa qua. Sau đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên có thể tập trung, yên tâm thi đấu, phát triển ngành nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm