Bộ VHTT và DL vào cuộc vụ chồng bị vợ và 2 con hành hạ

Liên quan đến vụ ông Phạm Hồng Khoa ở Ninh Bình bị vợ con bạo hành đã được chúng tôi phản ánh những ngày qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Vân cho biết, sau khi biết được trường hợp ông Khoa bị đánh đập trên chúng tôi, ngay sáng 15/3, Vụ Gia đình đã yêu cầu cơ quan văn hóa của tỉnh Ninh Bình báo cáo về vụ việc này để xử lý kịp thời.

Bộ VHTT và DL vào cuộc vụ chồng bị vợ và 2 con hành hạ ảnh 1

“Nếu đúng như báo nêu, có thể xử phạt hành chính ngay với 3 mẹ con bà Đàm Thị Thúy theo Nghị định Phòng chống bạo lực gia đình. Còn nếu xét nghiệm thấy ông Khoa bị thương tích trên 11% thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự” – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình khẳng định.
 
- Ông đánh giá thế nào về vụ người chồng bị đánh đập bởi chính những người thân trong gia đình mình thế này?


Trước hết, phải coi đây là hành vi bạo lực gia đình nên phải xử theo pháp luật, không thể bỏ qua. Chúng tôi cảm ơn báo chí đã đưa ra công luận trường hợp đau lòng này. Vì bình thường, tâm lý người đàn ông Việt Nam rất ngại nói ra việc mình bị bạo lực…

Tuy nhiên, cũng phải xem xét kỹ vấn đề. Người chồng bị hành hạ cũng nên xem lại mình, vì tại sao ông ta lại để mình đến nông nỗi này. Ông Khoa cũng phải có trách nhiệm với mình chứ?

Mặt khác, tại sao nhiều người thân của ông Khoa biết chuyện ông bị hành hung, thậm chí còn chứng kiến việc đó nhưng lại không can ngăn? Ngay cả chính quyền địa phương và công an cũng biết từ lâu nhưng lại không tiến hành các biện pháp hòa giải, giáo dục… để việc hành hung không xảy ra nữa. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức này.

- Cả 3 người con của ông Khoa đều được học hành tử tế nhưng lại hành hạ bố dã man. Ông lý giải điều này thế nào?

Tôi chưa đến tận nơi nên chưa hiểu hết ngọn ngành của câu chuyện. Nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là có những người tự cho mình quyền dạy bảo người khác nhưng lại không biết lắng nghe. Trong trường hợp này, có thể người vợ và các con thấy mình có học vấn cao hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, nên tự cho mình quyền dạy bảo ông Khoa.

Ở đây, tính bình đẳng trong gia đình không được hiểu đúng. Vì không ai được xâm phạm các quyền con người của người khác.

- Theo ông đánh giá, tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay đáng báo động đến mức độ nào?

Năm 2010, theo công bố của Tổng cục Thống kê, 58% phụ nữ Việt Nam có ít nhất một lần bị bạo lực. Nhưng cũng cần xem xét kỹ kết quả này vì họ tính cả những trường hợp chưa kết hôn.

Còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đến nay chưa có số liệu chính thức nào về bạo lực gia đình. Tuy nhiên có thể thấy, các vụ bạo lực ngày càng phát hiện nhiều, ngày càng có nhiều người đứng ra tố cáo bạo lực...

- Tâm lý “một điều nhịn, chín điều lành” có phải là một nguyên nhân dẫn đến việc người ta ngại công khai việc mình bị hành hạ trong gia đình không, thưa ông?

Đúng vậy. Người Việt Nam chúng ta vẫn còn tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, chế giễu kẻ “vạch áo cho người xem lưng”… nên tuy nhận thức về bạo lực của người dân có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm chạp.

- Vậy Nhà nước cân có biện pháp gì để hạn chế đến thấp nhất nạn bạo lực gia đình, thưa ông?

Hiện nay, người ta đưa ra đến 76 hành vi bạo lực gia đình, như bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế… nên phải tuyên truyền cho mọi người nhận diện các hành vi này. Tiếp đó chúng tôi đã và đang lập các điểm tư vấn về hạnh phúc, đời sống gia đình. Sắp tới sẽ đưa chương trình giáo dục kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình vào trường học… Đương nhiên, những trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Tuân – Nam Phong (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm