Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 29-4, ngoài Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên còn có mặt Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ Y tế mong truyền thông hỗ trợ
. Pháp Luật TP.HCM: Thủ tướng hôm vừa rồi đã thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm của ngành y tế trong việc để xảy ra dịch sởi với hậu quả chết quá nhiều trẻ. Nay dịch đã qua thời điểm khó khăn nhất, vậy Bộ trưởng Y tế có tự rút kinh nghiệm, bài học gì cho chính mình?
+ Đầu tiên, xin cảm ơn báo chí đã quan tâm, chia sẻ với chúng tôi. Bài học lớn nhất mà chúng tôi rút ra và cũng xin nhận khuyết điểm là hạn chế trong công tác truyền thông. Chứ nếu làm tốt thì tỉ lệ tiêm phòng sởi đã cao và chắc chắn không dẫn tới dịch lớn thế này. Nếu truyền thông tốt thì chắc không đến mức bệnh nhân tuyến dưới dồn tới Viện Nhi Trung ương nhiều như vừa qua, để rồi lây chéo dẫn tới 97% các cháu tử vong là tại viện đầu ngành này.
Thực tế khi báo chí kịp thời đưa thông tin, hình ảnh tại các bệnh viện thì ngay lập tức số lượng người đưa con cháu đi tiêm chủng đã nhiều lên. Viện Nhi cũng thế, con số bệnh nhân chuyển tới giảm hẳn.
Bộ Y tế ngay từ đầu nhiệm kỳ đã coi truyền thông là một trong bảy nhiệm vụ quan trọng nhưng rồi vừa qua chưa làm tốt. Nay qua chuyện này sẽ phải củng cố lên nhiều và cũng kêu gọi báo chí hỗ trợ. Chúng tôi nói có khi bà con chưa tin nhưng báo chí nói là người dân thấy khách quan, thay đổi hành vi ngay.
Lần này hai bộ trưởng Y tế và GD&ĐT tham dự cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 29-4. Ảnh: THU HẰNG
. Lao Động:Là một người mẹ, thấy những gia đình mất con cháu trong đợt dịch này, cảm nhận của bà thế nào? Là bộ trưởng, trước những dư luận xã hội gợi ý từ chức, bà nghĩ sao?
+ Câu hỏi của bạn rất thẳng thắn. Là người mẹ, trước tiên tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến các bà mẹ có con mất trong đợt dịch vừa qua. Cá nhân tôi rất yêu trẻ, thực sự mỗi lần thăm các bệnh viện chỉ muốn vào khoa Sản, khoa Nhi để bồng các cháu. Cho nên tôi đau xót lắm.
Còn trách nhiệm, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, trực tiếp hay gián tiếp, thuộc thẩm quyền trực tiếp hay đã phân cấp, hay chuyện chưa tốt do bất cứ ai trong ngành gây ra… thì tôi là người đứng đầu ngành đều phải liên quan trách nhiệm. Nhất là chuyện này xảy ra với các cháu bé nữa thì tự lương tâm mình càng day dứt.
Bạn hỏi có từ chức, thật lòng tôi chưa nghĩ tới. Bởi lẽ dịch sởi này, ngay từ khi mới xuất hiện những ca đầu ở Yên Bái, chúng tôi đã vào cuộc thật sự. Bởi lẽ lúc này toàn ngành y tế đang tập trung cao nhất giành sự sống cho các cháu. Hiện vẫn còn 20 cháu thở máy ở Bạch Mai, hai cháu nằm máy ở Viện Nhi Trung ương…
Chúng tôi những ngày này dù là nghỉ lễ nhưng vẫn ngày đêm kiểm tra. Ngay bây giờ họp báo xong, tôi phải họp tiếp, nắm tình hình, đốc thúc tiêm phòng. Dịch sởi chưa qua thì nguy cơ bùng phát dịch tay-chân-miệng rất cao đang tới, mức độ nguy hiểm cao hơn sởi, có khi chỉ 24 giờ là tử vong. Cho nên trước hết phải tập trung cao độ mấy việc đó.
Tôi cũng xin thưa thật tình, được bổ nhiệm vào vị trí này là qua quá trình quy hoạch của Đảng, là nhiệm vụ của trung ương giao, được Quốc hội phê chuẩn. Đã vào vị trí này, tôi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, làm việc với trách nhiệm, lương tâm và niềm đam mê nghề nghiệp của mình. Công việc đó không một sớm một chiều đạt kết quả. Nếu không đủ năng lực, chưa làm hết trách nhiệm, lương tâm và theo yêu cầu của trên, theo quy trình cán bộ mà thấy mình không làm việc được nữa thì tôi nghĩ cũng nhẹ nhàng thanh thản mà ra đi.
. Người Lao Động: Một nguyên nhân dẫn tới tử vong nhiều là lây nhiễm chéo ở Viện Nhi Trung ương. Tới đây Bộ trưởng có xem xét, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị này không?
+ Việc lây chéo có nguyên nhân khách quan là bản thân Viện Nhi Trung ương là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng hàng đầu. Chưa kể rất nhiều bệnh nhân không nặng lắm vẫn vượt tuyến đưa lên, Viện muốn phân về tuyến dưới cũng không chịu. Rồi khí hậu miền Bắc vừa rồi ẩm-lạnh kéo dài, thuận lợi cho lây nhiễm…
Còn chuyện trách nhiệm, như tôi đã trình bày, lúc này tất cả đang tập trung dập dịch, khắc phục hậu quả dịch sởi. Thư thư có thời gian, chúng tôi sẽ nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm toàn ngành.
Bộ GD&ĐT sơ suất về con số 34.000 tỉ đồng
. Vietnamnet:Về đề án đổi mới chương trình SGK, vừa rồi Bộ GD&ĐT đã xin hoãn trình Quốc hội. Vấn đề là có những băn khoăn về triết lý đổi mới của bộ, tập trung vào SGK thì có hợp lý không? Chưa kể con số 34.000 tỉ đồng dự tính kinh phí dư luận chưa đồng tình. Đề nghị tư lệnh ngành giáo dục giải thích!
+ Việc trình đề án vừa qua, chúng tôi làm theo cách trước đây, khi Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết 40 về đổi mới SGK năm 2000 để Quốc hội cho chủ trương trước, rồi Chính phủ mới tính toán kinh phí cụ thể. Nay Thường vụ Quốc hội yêu cầu báo cáo chi tiết luôn cả phương án kinh phí thì chúng tôi xin rút để bổ sung thôi.
Còn có cần thiết phải đổi mới không, tôi nói là có. Phải đổi mới để chuyển nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển kỹ năng, năng lực, phẩm chất người học. Như vậy thầy phải thay đổi, trò phải thay đổi, cả cách dạy, cách học, cách thi cử. Còn triết lý giáo dục thì Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương năm 2013 đã chỉ ra rồi.
Về kinh phí, xin nói cho rõ 34.000 tỉ đồng mới là anh em tổng hợp từ những nghiên cứu khác nhau. Bộ chưa có phương án cụ thể. Cho nên báo cáo con số ra đó là sơ suất.
. Pháp Luật TP.HCM: Việc trình rồi lại xin rút một đề án hay dự luật nào đó thì đều gây dư luận là chất lượng chuẩn bị của Chính phủ rất kém. Vậy tại sao Bộ không trao đổi trước với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thống nhất rồi hẵng làm?
+ Thật tình trong quá trình xây dựng đề án này, chúng tôi đã trao đổi, tranh thủ ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Bên đó đồng tình với cách làm này, tức xin Quốc hội cho chủ trương trước. Thế nhưng ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lại có ý kiến yêu cầu chuẩn bị đầy đủ hơn, cả về kinh phí. Chúng tôi thấy việc này nên coi bình thường thôi. Thay đổi từ cách làm cũ sang cách làm mới thì mình phải chấp hành.
NGHĨA NHÂN - THU HẰNG
Sữa cho trẻ đến sáu tuổi: Phải đăng ký giá Báo cáo với Chính phủ kết quả kiểm tra các công ty nhập khẩu, phân phối sữa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Cuộc kiểm tra nhằm vào năm doanh nghiệp (DN) nắm 90% thị phần sữa cho trẻ gồm Vinamilk, Dinh dưỡng 3A, Nestlé Việt Nam, Campina Việt Nam và Mead Johnson Việt Nam. Trong số này chỉ có Vinamilk và Campina Việt Nam chuyên nhập nguyên liệu về sản xuất. Còn lại đều kinh doanh dưới hình thức mua đứt bán đoạn, nhập khẩu sữa nước ngoài về phân phối ở Việt Nam. Từ cuối năm 2013 đến tháng 4-2014, các DN chủ chốt này đã kê khai tăng giá bán nhiều sản phẩm sữa khác nhau. Có đơn vị chỉ tăng ở mức 5%-9% nhưng có những DN mức tăng tới 11%-30%... Một số DN còn không kê khai đủ các sản phẩm tăng giá, hạch toán chi phí bất hợp lý, tỉ lệ chi cho quảng cáo vượt quá mức cho phép. Có trường hợp Cục Quản lý giá có công văn yêu cầu giải trình, DN chưa thực hiện nhưng vẫn tăng giá. Đáng chú ý là các DN đều có mức lãi rất lớn, 20%-30% trong năm 2013. Cho rằng Việt Nam là thị trường sữa lớn với khoảng 10 triệu người tiêu dùng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị áp dụng cơ chế đăng ký giá với các sản phẩm sữa cho trẻ đến sáu tuổi, đồng thời qua đó ngăn chặn DN tăng giá bất hợp lý. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính bàn với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu kỹ vấn đề này. “Hội nhập quốc tế rồi, làm gì cũng phải theo pháp luật. Cần có giải pháp cụ thể, bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước nhưng chặt chẽ để DN người ta chấp nhận, tuân thủ” - Thủ tướng nói. N.NHÂN - T.PHƯƠNG - T.UYÊN Hai phương án giữ quốc tịch Việt Nam cho kiều bào Cũng trong ngày 29-4, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo Chính phủ phương án sửa Luật Quốc tịch theo hướng kéo dài thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho kiều bào ở nước ngoài thêm năm năm. Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước 1-7-2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam nhưng phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước 1-7-2019 để giữ quốc tịch Việt Nam. Quy định này sẽ có hiệu lực từ 1-7-2014, đúng thời hạn cuối cùng đăng ký giữ quốc tịch theo luật hiện hành. Cũng theo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao có đề xuất bỏ hẳn quy định thời hạn đăng ký trong luật nhưng Bộ Tư pháp đã không đưa phương án này vào dự luật vì ngại “tình trạng mập mờ một hay hai quốc tịch bị kéo dài”. Đánh giá đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến tâm lý, tình cảm của đông đảo kiều bào, Thủ tướng kết luận nên đưa ra nhiều phương án, hoặc trong tờ trình, hoặc cả trong dự thảo để trình Quốc hội thảo luận, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 5 này. NGHĨA NHÂN |