Bộ Tư pháp công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024

(PLO)- Đổi mới công tác xây dựng pháp luật để khơi thông nguồn lực phát triển, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID... là những sự kiện nổi bật vừa được Bộ Tư pháp công bố.

Bộ Tư pháp vừa ban hành quyết định Phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp.

Thứ nhất, Bộ Tư pháp vinh dự đón Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc về công tác tư pháp và pháp luật.

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về công tác tư pháp và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đã đưa ra những định hướng và nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà Bộ, ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Ảnh: TTX

Thứ 2, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực phát triển.

Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổ công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban).

Trên cơ sở kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 29-11-2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật sửa đổi, bổ sung 13 luật thuộc lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư từ chính kết quả rà soát văn bản QPPL do Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 152 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định là 222 văn bản; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 văn bản và các Phòng Tư pháp thẩm định là 1.124 văn bản.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp được tin tưởng, tín nhiệm và có nhiều bước phát triển.

Thứ tư, Bộ Tư pháp đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ (Par-index).

Thứ năm, Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, tăng 71.511 việc, tương ứng với 11,23% và trên 80.188 tỉ đồng, tương ứng với 48,51% về tiền.

Thứ sáu, tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.

Ngay sau Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý thực tiễn mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ bảy, công bố Bộ pháp điển Việt Nam.

Ngày 5-11-2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta có Bộ pháp điển

Bộ pháp điển Việt Nam là sản phẩm chính thức của Nhà nước, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và được khai thác, sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin điện tử pháp điển dưới dạng điện tử (phapdien.moj.gov.vn).

Thứ 8, phiếu Lý lịch tư pháp được cấp trên ứng dụng VNeID toàn quốc.

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện, đến nay, 63/63 Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân tích cực đón nhận

Thứ 9, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng tăng cường xã hội hóa

Năm 2024, Bộ Tư pháp tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua 2 Luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 và Luật Công chứng được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Thứ 10, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp là cơ quan chuyển đổi số xuất sắc

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực này đã đạt mức toàn trình; tỷ lệ số hóa hồ sơ và áp dụng chữ ký số đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 100%; tỷ lệ yêu cầu và giải quyết đăng ký trực tuyến đạt 87%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn 100%.

Dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được đồng bộ, kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, với Hệ thống EMC, với Hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và đang từng bước được nghiên cứu để mở rộng việc kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc các lĩnh vực khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới