Tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng 26-4, nhiều nhà báo đặt câu hỏi với Phó Cục trưởng Cục Trách nhiệm bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng về “sự cố” trong buổi xin lỗi tử tù bị kết án Hàn Đức Long (Bắc Giang) hôm 25-4.
Cụ thể, các nhà báo hỏi trong một khung cảnh hỗn loạn như thế, có nên tính tới các biện pháp dừng buổi xin lỗi công khai hay cứ cố “làm cho xong”? Luật hiện hành quy định ra sao? Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) quy định thế nào về vấn đề này?
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng
Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng cho biết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định rõ 3 nội dung chính:
Thứ nhất, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xin lỗi.
Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày kể từ nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xin lỗi.
Thứ ba, có thể xin lỗi qua hai hình thức là trực tiếp xin lỗi tại nơi cư trú người bị oan, đăng báo cải chính trên báo chí trung ương và địa phương.
Ông Hưng nói từ trước tới nay, những vụ lớn thì chưa bao giờ việc xin lỗi diễn ra sau yêu cầu bồi thường. Mà để bảo đảm phục hồi danh dự cho người dân, cơ quan chức năng đều tổ chức xin lỗi trước khi người bị hại yêu cầu bồi thường.
“Trường hợp ông Long cũng không phải ngoại lệ. Các cơ quan tố tụng đã chủ động tổ chức xin lỗi ông Long. Chúng tôi trao đổi với TAND Tối cao, ông Long chưa có đơn yêu cầu bồi thường gửi đến tòa tối cao” - ông Hưng cho biết.
Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cũng thừa nhận luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao thì trong luật quy định chưa rõ ràng.
“Việc tổ chức có những sự cố khi người nhà bị hại có hành vi vượt quá thì Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa quy định. Về hành vi gây rối của gia đình bị hại, quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để người nhà thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Còn việc ông Long bị oan các cơ quan tố tụng đã chứng minh một cách có căn cứ. Việc này với vai trò quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề bồi thường nhà nước, tôi chia sẻ như vậy chứ không bình luận thêm” - ông Hưng nói.
Giới thiệu về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi), ông Hưng cho biết dự thảo luật mới quy định cụ thể, trong quá trình giải quyết bồi thường, người bị oan có quyền yêu cầu xin lỗi công khai. Đề xuất yêu cầu khôi phục danh dự không có thời hiệu, để bảo đảm quyền của công dân phù hợp hiến pháp (thời hiệu đối với việc bồi thường tài sản là ba năm - PV).
“Chúng tôi quy định một cách cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, cũng như trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong tổ chức xin lỗi công khai. Theo quan điểm của chúng tôi, những quy định này mang tính khả thi nhất trong quá trình thực hiện” - ông Hưng nói.
“Việc hạn chế người gây rối thì phụ thuộc vào các phương án bảo vệ của bên tổ chức, để bảo đảm việc xin lỗi được tổ chức nghiêm minh, đầy đủ nội dung trong buổi xin lỗi” - ông Hưng cho biết.