Bộ Tư pháp nói về việc 'nộp tiền để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự'

(PLO)- Người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, báo chí hỏi quan điểm của bộ này về đề xuất mới đây của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí “cho tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ được nộp tiền để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”.

Trả lời sau đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi khẳng định đây không phải quan điểm mới. Ông Lợi dẫn Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng quy định:

“Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi. Ảnh: Đ.MINH

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi. Ảnh: Đ.MINH

Ông Lợi cho rằng người phạm tội ăn năn, nộp lại tài sản thì khi xét xử được xem xét giảm hình phạt là cần thiết. Thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp này. Tổng cục Thi hành án dân sự đã giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài nhưng cũng bảo đảm sát thực tiễn Việt Nam. “Chúng tôi sẽ có quan điểm chính thức để báo cáo cơ quan có thẩm quyền” - ông Lợi nói.

Thông tin thêm, ông Lợi nhấn mạnh việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ luôn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các bản án tuyên số tiền phải thu hồi, thi hành rất lớn nhưng tài sản bảo đảm thi hành trong hầu hết vụ án rất ít. Có trường hợp có tài sản bảo đảm thi hành nhưng tính pháp lý của tài sản chưa được làm rõ nên gặp khó khăn...

“Chúng tôi phải yêu cầu chấp hành viên, cơ quan thi hành án làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, làm rõ tính chất pháp lý để bảo đảm đưa ra kê biên xử lý” - ông Lợi nói. Trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản trong các vụ án bình thường đã phải rất chặt chẽ, thận trọng nhưng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ còn phải yêu cầu chặt chẽ hơn để không xảy ra sai sót.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực hôm 30-6, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, trung ương cho chủ trương nghiên cứu theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng; việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự nữa, trong khi “chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý nhiều cán bộ, đồng chí của mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm