Gần 500 bản án, quyết định hành chính chưa thi hành xong

(PLO)-  Bộ Tư pháp đề xuất trường hợp cần thiết, kiến nghị Thủ tướng  xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong việc chậm thi hành án hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai công tác sáu tháng cuối năm 2022.

Báo cáo chuyên đề của Bộ về công tác thi hành án hành chính cho thấy từ 1-10-2018 đến 30-9-2021, kết quả công tác này đã “tăng rõ rệt”. Công tác THA hành chính ngày càng nề nếp, năm sau tăng cao hơn năm trước, đã thi hành xong 1.116 bản án, quyết định, trong đó có 894 bản án người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành; số bản án, quyết định chưa thi hành xong là 489.

Theo Bộ Tư pháp, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được UBND, Chủ tịch UBND là người phải thi hành án thi hành xong tăng cao so với giai đoạn 2015 - 2017 (tăng 422 bản án, quyết định).

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, UBND ở một số địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Đáng chú ý, mặc dù vẫn còn những bản án hành chính chưa được thi hành xong, trong đó có những bản án Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính, nhưng chưa có trường hợp nào Chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm trong THA hành chính.

Nguyên nhân do theo quy định, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong THA hành chính phải chứng minh được lỗi cố ý không chấp hành án, trong khi các vụ việc chưa THA hầu hết còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đánh giá một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm trong việc chấp hành bản án hành chính, dẫn tới không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về THA của các cơ quan có thẩm quyền.

Báo cáo dẫn chứng tại Hà Nội, dù VKSND đã có 7 kiến nghị đối với Chủ tịch UBND một số quận, huyện, đề nghị chỉ đạo các phòng, ban thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng đều không nhận được công văn phúc đáp hoặc văn bản thông báo tình hình, kết quả thực hiện.

Tâm lý nể nang, ngại va chạm

Đánh giá về nguyên nhân khách quan, Bộ Tư pháp cho rằng một số quy định của Luật TTHC 2015 được Chính phủ và các ngành phản ánh chưa cụ thể, còn mang tính nguyên tắc, khó khăn trong áp dụng nhưng chậm được báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để giải thích, hướng dẫn thi hành.

Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao chưa có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải thích quy định cụ thể của Luật TTHC 2015 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ Tư pháp, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của không ít cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước còn hạn chế và chưa thực sự đầy đủ.

Một số người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong một số vụ việc còn chưa sát sao, chưa đề cao trách nhiệm, chưa kiểm soát được đầy đủ vụ việc dẫn đến ký ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật.

Khi phát sinh khiếu nại của người dân thì chưa thực sự cầu thị xem xét thấu đáo vụ việc để kịp thời khắc phục. Khi người dân khiếu kiện đến Tòa án, phát sinh thủ tục tố tụng thì không thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật TTHC, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa. Khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì lại không chấp hành án.

Mặt khác, sau khi ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng lại không kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người được ủy quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, tâm lý nể nang, ngại va chạm của một số Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên đối với chính quyền cùng cấp trong giai đoạn giải quyết vụ án và giai đoạn THA hành chính dẫn đến hạn chế chất lượng xét xử, kháng nghị, kiến nghị và theo dõi, đôn đốc công tác thi hành án hành chính thời gian qua.

Tại một số địa phương, UBND, Chủ tịch UBND cấp trên chưa thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, xử lý với UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới trong việc THA hành chính. Vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân cũng chưa phát huy hiệu quả; thiếu sự kiểm tra, xử lý của Chủ tịch UBND, UBND cấp trên đối với Chủ tịch UBND, UBND cấp dưới cũng như sự giám sát của HĐND ở một số địa phương đối với Chủ tịch UBND, UBND, các cơ quan tư pháp trong việc thi hành Luật TTHC.

Kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh

Tại báo cáo, Bộ Tư pháp đề cập hàng loạt nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác THA hành chính. Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng cần tăng cường tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THA hành chính ở các địa phương có số lượng bản án hành chính phải thi hành lớn; hoặc tổ chức làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, xác định nguyên nhân tồn đọng của từng bản án, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng bản án.

“Trường hợp cần thiết, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án”- báo cáo nêu rõ.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị cần phát huy hiệu quả các cơ chế tác động từ chủ thể thứ ba đến hoạt động THA hành chính. Trong đó, Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc THA hành chính của cơ quan, người phải THA hành chính thuộc thẩm quyền quản lý.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm nghĩa vụ THA hành chính. VKSND các cấp cần mở rộng phạm vi kiểm sát THA trực tiếp đến cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là người phải THA.

Cơ quan THADS bảo đảm theo dõi 100% bản án hành chính có nội dung theo dõi và kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm