Ông Đặng Quang Tấn, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết virus Zika đã được phát hiện lần đầu tiên trên động vật tại rừng Rika của Uganda vào năm 1947. Nhưng kể từ khi được phát hiện tại Brazil vào tháng 5-2016, nó đã bùng phát và lây lan nhanh chóng. Tính đến nay đã lan rộng tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Tấn, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ virus Zika xâm nhập vào nước ta.
Khả năng virus Zika vào Việt Nam là do trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes sính sống.
Thứ hai là Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại virus mà thế giới chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra.
Theo ông Tấn, khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.
Ông Kato, đại diện Tổ chức WHO tại Việt Nam, cho biết có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh, dù mối liên hệ này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu rõ hơn.
Ông Kato đề nghị Việt Nam cần chuẩn bị tốt các phương án ứng phó kịp thời và nâng cao hệ thống chẩn đoán, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực nhân viên y tế để chuẩn bị cho khả năng xấu nhất khi phát hiện ra ca bệnh nhiễm virus tại bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, cho biết Bộ Y tế sẽ lên kế hoạch phòng, chống dịch toàn diện từ kịch bản phòng, chống
dịch bệnh mới nổi sẵn có, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin, khuyến cáo chi tiết cho người dân. Trong đó, quy trình giám sát, phát hiện và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị phải được đặc biệt chú trọng.
Ông Long khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang có dịch.