“Nghiên cứu này khẳng định rõ ràng rằng virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Chúng tôi cũng đang tiến hành thêm các nghiên cứu để xác định liệu trẻ em bị chứng đầu nhỏ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika có phải chỉ là phần nổi của tảng băng mà chúng ta có thể nhìn thấy được về những tác động đối với não và các vấn đề về phát triển” - ông Tom Frieden, Giám đốc của USCDC, phát biểu.
Việc phát hiện nhiễm virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ và một số biến chứng nghiêm trọng khác về não có nghĩa phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai sẽ gia tăng nguy cơ sinh ra trẻ em có những vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng tất cả phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai sẽ sinh ra trẻ em có vấn đề về sức khỏe. Thực tế tại các vụ dịch Zika hiện nay, nhiều phụ nữ bị nhiễm virus Zika vẫn sinh ra những trẻ em khỏe mạnh.
Việc xác định mối liên hệ giữa nhiễm virus Zika và các biến chứng nghiêm trọng về não là bước đi quan trọng trong việc phòng bệnh, cũng như tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, củng cố các hoạt động truyền thông về các nguy cơ đối với sức khỏe của virus Zika.
Tại thời điểm này, USCDC chưa có sự thay đổi nào về những hướng dẫn trong phòng, chống dịch bệnh do virus Zika. Theo đó, phụ nữ mang thai không nên đi đến các khu vực có dịch; nếu phải đi đến hoặc đang sống ở vùng có dịch với sự lưu hành virus Zika, cần tư vấn cán bộ y tế để biết về các yếu tố nguy cơ và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng muỗi đốt cũng như áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm virus Zika qua đường tình dục để giảm thiểu các tác động của virus Zika đối với thai nhi.