Đây là một bước tiến mới nhằm giúp Boeing giành lại uy tín trước công chúng và đưa Boeing 737 Max trở lại bầu trời sau khi nằm đất một thời gian dài.
FAA nói sẽ không cho phép 737 Max bay trở lại cho đến khi FAA chuẩn thuận việc nâng cấp phần mềm và hệ thống đào tạo phi công.
Báo cáo mới nhất trong tuần này của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa chuyến bay (FSB) do FAA bổ nhiệm là tin mừng cho Boeing. Sau khi xem xét phiên bản mới của Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), ủy ban này kết luận rằng: “MCAS được xem là thích hợp để hoạt động”. Báo cáo cũng nói rằng phi công cần được tái huấn luyện về hệ thống MCAS nhưng cho rằng “việc đào tạo không nhất thiết phải diễn ra trong buồng lái giả định”.
Tuy nhiên, thời điểm 737 Max cất cánh trở lại vẫn là dấu hỏi lớn. Các hãng hàng không Hoa Kỳ như Southwest Airlines, American Airlines và United Airlines đã không đưa các máy bay Boeing 737 Max vào lịch khai thác bay cho đến tháng 8/2019 sắp tới. Điều này có nghĩa là các hãng đang chờ câu trả lời hay lời bảo đảm rõ ràng của cả Boeing và FAA. Cuối tuần trước, các quan chức cao cấp của FAA và Boeing đã họp tham vấn với các nghiệp đoàn phi công của ba hãng trên trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Boeing hứa sẽ sớm hoàn thành việc nâng cấp phần mềm vào đầu tháng 4 này. Nhưng đến ngày 18/4, CEO Dennis Muilenburg mới tuyên bố hãng đã thực hiện 127 chuyến bay thử nghiệm trong vài tuần qua với thời lượng khoảng 203 giờ bay.
Các máy bay Boeing 737 Max bị nằm đất cho đến khi FAA xác nhận Max đủ an toàn để bay trở lại. (Ảnh: Reuters)
Đương đầu với hệ lụy
Boeing 737 Max ra đời như lời đáp trả của Boeing đối với đối thủ A320neo của Airbus. Việc chuyển động cơ về phía sau đã khiến 737 Max luôn có xu hướng ngóc đầu lên khi bay. Hệ thống MCAS có vai trò “nhấn đầu” máy bay giúp giữ tình trạng cân bằng. Các cảm biến sai lệch đã khiến MCAS kích hoạt và thảm họa đã xảy ra đối với máy bay của Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019 và Lion Air vào tháng 10/2018, khiến gần 350 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Hơn 370 máy bay 737 Max bị hạ cánh trên toàn thế giới sau vụ tai nạn của hãng hàng không thảm khốc chỉ trong vòng 5 tháng. Chỉ trong vòng ba ngày sau tai nạn của Ethiopian Airlines, cổ phiếu của Boeing sụt giảm 13%, khiến hãng bị thiệt hại gần 30 tỷ USD. Đơn hàng gần 6.000 máy bay mới của Boeing bị đóng băng, khiến gã khổng lồ đứng trước nguy cơ mất trắng 600 tỷ USD.
Boeing còn phải đối diện với hai vụ kiện tập thể của các gia đình nạn nhân trên chuyến bay bị nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines. Các cổ đông của Boeing cũng khởi kiện hãng này vì đã làm họ thiệt hại. Gã khổng lồ và FAA cũng bị điều tra hình sự của FBI, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ.
Cho đến giờ tương lai của dòng máy bay mới vẫn còn mờ mịt.
Công suất của Boeing đã giảm từ 52 chiếc/tháng xuống còn 42 chiếc trong tháng rồi. Cũng trong tháng 3, Boeing đã không nhận thêm được đơn hàng mới. Hãng hàng không quốc gia Garuda Airlines của Indonesia là hãng đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ trả lại máy bay 737 Max duy nhất mà hãng đã nhận, và đòi đổi chiếc này và 9 chiếc Boeing chưa giao sang dòng máy bay khác. Các hãng hàng không Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan chưa lên tiếng đòi đổi hay hủy đơn hàng nhưng nói “sẽ xem xét lại”.
Nhưng việc hủy đặt hàng một dòng máy bay thường là một quyết định khó khăn đối với các hãng hàng không.
“Ngay bây giờ, nếu bạn hủy đơn hàng Max, bạn sẽ lấy gì để thay thế? Airbus muốn có thêm đơn đặt hàng và giật khách từ Boeing, nhưng dòng A320 và Boeing 737 bán đắt như tôm tươi và các hãng hàng không phải chờ nhiều năm mới được giao máy bay. Bạn có thể tìm được dòng máy bay thay thế, nhưng chuyển cả đơn hàng lớn với cùng một loại máy bay là quyết định không tưởng”, George Hamlin – Chủ tịch của công ty tư vấn Transportation Consulting – nhận định.
Việc chuyển từ máy bay Boeing sang Airbus cũng đầy thách thức bởi năng lực sản xuất của Airbus thấp hơn.
Bên cạnh yếu tố thiếu hàng, các hãng hàng không còn ra nhiều quyết định khó khăn và điều chỉnh đầu tư khi đặt hàng máy bay mới – như đào tạo nhân viên, mua sắm trang thiết bị và phụ tùng thay thế và phải lập kế hoạch khai thác mới tùy theo năng lực chở khách của máy bay.
“Việc cam kết mua một loại máy bay giống như một cuộc hôn nhân, khi đã cưới thì rất khó để ly dị”, Henry Harteveldt – người sáng lập công ty tư vấn du lịch Atmosphere Research Group – phát biểu với Business Insider.
Tổng thống Donald Trump: “Nếu tôi là Boeing, tôi sẽ đổi tên máy bay”. (Ảnh: Reuters)
Đổi tên 737 Max
Cả Harteveldt và Hamlin đều cho rằng Boeing 737 Max đã mất lòng tin của công chúng trong cả hai ngữ cảnh: Sự thiếu chân thành của Boeing khi hai tai nạn Max xảy ra và mối quan hệ đầy khăng khít, mật thiết khi FAA đã ủy nhiệm cho kỹ sư Boeing kiểm tra và phê chuẩn dòng máy bay mới.
Dòng 737 Max có lẽ nên đổi tên để tránh bất an của hành khách trong tương lai. Có lẽ ý kiến của Tổng thống Donald Trump nên được Boeing lưu ý.
“Tôi biết gì về thương hiệu? Có thể tôi chẳng biết gì cả. Nhưng nếu tôi là Boeing, tôi sẽ sửa máy bay Boeing 737, nâng cấp và thêm một vài đặc tính ưu việt và đổi tên máy bay. Chưa có một sản phẩm nào bị rơi vào tình trạng như dòng máy bay này”, ông Trump viết trong một Twitter đăng tuần này, trước khi Boeing công bố đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống MCAS.