Ngay sau khi chiếc Boeing 737 MAX 8 thứ hai rơi ở Ethiopia vào sáng 10-3, hàng loạt nước lần lượt ngưng khai thác dòng máy bay này. Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Boeing vẫn tuyên bố không có chứng cứ nào để phải làm vậy, vẫn tin tưởng vào độ an toàn của nó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Boeing Dennis Mullenburg, người ông có mối quan hệ thân tình, về vụ tai nạn ở Ethiopia. Ông Trump cũng lên Twitter phàn nàn các máy bay ngày càng trở nên quá phức tạp và sự phức tạp làm tăng nguy hiểm. Ông cũng cho rằng nhà sản xuất máy bay luôn tìm cách cải tiến công nghệ không cần thiết trong khi có những cái cũ và đơn giản lại tốt hơn nhiều. có điều là ông không đề cập chuyện ngưng khai thác dòng máy bay này.
Áp lực che mờ nguyên tắc
Đến tận ngày 13-3, ông Trump mới ra một sắc lệnh khiến Mỹ là nước cuối cùng hạ cánh các máy bay Boeing 737 MAX 8 và MAX 9.
Điều gì khiến ông Trump và FAA có sự trì hoãn này? Theo nhà báo Elaine Ou của hãng tin Bloomberg (Mỹ), từng là giảng viên khoa Công nghệ điện và thông tin tại ĐH Sydney (Úc), chính phủ Mỹ đã để áp lực lấn át các nguyên tắc trong việc ra quyết định về Boeing 737 MAX 8.
Nhiều ý kiến chỉ trích rằng một phần lý do của chuyện trì hoãn có thể vì quan hệ thân thiết mà Boeing, một nhà thầu lớn của chính phủ Mỹ và là một sức mạnh chính trị lớn ở Mỹ.
Trước mắt có thể thấy ngoài Tổng Giám đốc Boeing Mullenburg có quan hệ thân tình với Tổng thống Trump thì quyền giám đốc FAA , ông Elwell, từng làm việc trong hãng hàng không American Airlines và Hiệp hội Hàng không Vũ trụ mà Boeing là một thành viên chủ chốt. Một nhân vật nữa là ông Patrick Shanahan từng là một lãnh đạo của Boeing trước khi trở thành quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện tại.
Có thể nói Boeing nhận nhiều dự án thầu hơn bất kỳ nhà thầu nào khác ở Mỹ, chẳng hạn Lockheed Martin - đối thủ chính của Boeing trong lĩnh vực thầu quốc phòng, đồng nghĩa thu lợi được nhiều từ chính phủ Mỹ hơn. Trong tài khóa 2017, Boeing được chính phủ Mỹ ký một số hợp đồng trị giá hơn 23 tỉ USD. Mùa thu năm ngoái, Boeing nhận hợp đồng 9,2 tỉ USD sản xuất một thế hệ máy bay chiến đấu mới cho không quân Mỹ.
Boeing giữa tuần trước âm thầm ra mắt máy bay chở khách dài nhất thế giới 777X-9, dài 77 m, trong phạm vi nội bộ tại Nhà máy Boeing ở TP Seattle thuộc bang Washington, Mỹ sau vụ chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ở Ethiopia. Ảnh: DAILY MAIL
Tiền của Boeing len lỏi khắp chính phủ Mỹ
Năm ngoái Boeing đã chi tới 15 triệu USD cho công tác vận động hành lang. Từ năm 2016 đến nay, Boeing đóng góp hơn 8,4 triệu USD cho các chiến dịch quyên góp chính trị, chia đều cho cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Năm 1940, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm các cá nhân và công ty đóng góp cho các chiến dịch quyên góp liên bang trong thời gian đang thương lượng hay thực hiện các hợp đồng liên bang. Mục đích nhằm ngăn các công ty cố gắng hối lộ các chính trị gia để có được giao dịch béo bở, cũng như ngăn các chính trị gia làm tiền các công ty.
“Đó là điều xảy ra khi các tập đoàn điều hành chính phủ” - nhà báo Dana Milbank của tờ The Washington Post phản ứng với việc chính phủ Mỹ trì hoãn hạ cánh dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 sau hai tai nạn liên tiếp. |
Vậy làm thế nào mà việc Boeing đóng góp cho các chiến dịch quyên góp liên bang lại không phạm luật? Câu trả lời là vì có lỗ hổng luật pháp liên quan đến một điều luật ban hành vào thập niên 1970 cho phép các nhà thầu chính phủ thành lập “các quỹ riêng biệt”. hoặc các ủy ban hành động chính trị (PAC) sử dụng tiền được góp lại từ các nhân vật lãnh đạo và các cổ đông lớn của nhà thầu này để quyên góp chính trị. Các quỹ này tồn tại hợp pháp với lý lẽ là quyền tự do ngôn luận của nhân viên nhà thầu với số tiền không bị hạn chế. Đó là lý do PAC của Boeing có thể tồn tại.
Theo chuyên gia Brendan Fischer tại Trung tâm Vận động luật pháp - một cơ quan đạo đức lưỡng đảng của Mỹ, PAC của Boeing rất có ảnh hưởng. Lượng quyên góp của PAC Boeing lớn gấp ba lần tổng quyên góp của tất cả cá nhân độc lập.
Bên cạnh đó còn có một lỗ hổng khác mà các nhà thầu có thể lợi dụng nhằm tìm kiếm ảnh hưởng lên các chính trị gia: Quyên góp tiền cho ủy ban tổ chức lễ nhậm chức cho tổng thống đắc cử. Một lý do là các ủy ban tổ chức lễ nhậm chức này về kỹ thuật không liên quan đến các chiến dịch chính trị. Boeing đã chi cả triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump, điều đang bị nhiều ý kiến cho rằng có thể là một xung đột lợi ích.
Theo nhà báo Smith, chính những điều trên đã làm xuất hiện nghi ngờ về động cơ của chính phủ Mỹ khi trì hoãn lệnh “trùm mền” toàn bộ Boeing 737 MAX 8.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren từng công khai đặt câu hỏi liệu chính phủ có “đặt sinh mạng vào rủi ro” để bảo vệ Boeing. Bà Warren và một nhóm đồng nghiệp lưỡng đảng đang yêu cầu Quốc hội gọi Boeing ra điều trần.
Có thể nói nội các của ông Trump hiện tại gồm các nhân vật từng lãnh đạo tập đoàn. Một lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu mỏ hiện làm bộ trưởng nội vụ. Một lãnh đạo ngành dược hiện làm bộ trưởng y tế. Một nhà vận động cho ngành than giờ lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ môi trường. Hay như ông Patrick Shanahan, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện tại, từng là một lãnh đạo của Boeing. Tổng cộng có 350 nhân vật từng là nhà vận động chính sách đã, đang và được chọn sẽ làm việc cho chính phủ Mỹ. Việc tồn tại nhiều nhân vật tập đoàn trong chính phủ Mỹ đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín của nước này ở bên ngoài. Sau khi chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi, hãng Ethiopian Airlines đã chọn không gửi các hộp đen chiếc máy bay này đến Mỹ để phân tích mà là đến Pháp. Việc Mỹ trì hoãn hạ cánh Boeing 737 MAX 8 đã bị nhiều nước phản ứng. Có ý kiến ở Bangladesh cho rằng Mỹ “ương ngạnh”, ở Hong Kong thì nói Mỹ “quá chiều chuộng doanh nghiệp”, còn ở Úc chỉ trích Mỹ bị các lợi ích tập đoàn thống trị và bỏ lơ thực tế. |