Bối rối định hướng ngành nghề cho học sinh

LTS: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đang gây băn khoăn cho giáo viên và học sinh vì còn nhiều điểm bất cập. Pháp Luật TP.HCM tổng hợp các ý kiến bạn đọc gửi đến Bộ GD&ĐT với hy vọng Bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời trong thời gian tới.

Theo tôi, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có những bất cập sau:

Cụm thi thứ nhất rất ít thí sinh

Bộ GD&ĐT đưa ra phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia để giảm áp lực cho học sinh và đỡ tốn kém ngân sách, nhưng trên thực tế việc tổ chức hai loại cụm thi như thế là không phù hợp. Cụm thi thứ nhất chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT. Cụm thi thứ hai dùng kết quả để tuyển sinh ĐH-CĐ. Với phương án này thì cụm thi thứ nhất sẽ rất ít hoặc không có thí sinh đăng ký dự thi. Bởi không học sinh nào bỏ thời gian học 12 năm chỉ để thi và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Giá trị của bằng tốt nghiệp THPT hiện nay không giúp ích gì nhiều cho học sinh. Ước mơ của các em vẫn là ngồi ở giảng đường ĐH hoặc ít nhất là trường CĐ. Vậy thử hỏi cụm thi thứ nhất sẽ được bao nhiêu học sinh? Hội đồng thi ở cụm thứ nhất sẽ như thế nào? Còn cụm thi thứ hai như thế nào thì chắc ai cũng rõ.

Sẽ “nở rộ” nhiều kỳ thi riêng

Bộ GD&ĐT nói chỉ có một kỳ thi quốc gia chung nhưng trên thực tế sẽ “nở rộ” nhiều kỳ thi. Bởi ngoài kỳ thi quốc gia, rất nhiều trường ĐH-CĐ sẽ có phương án tuyển sinh riêng. Vì mong muốn vào ĐH-CĐ nên nhiều học sinh sẽ đăng ký dự thi tại các trường này.

Theo tôi biết, hiện nay rất nhiều trường thực hiện đề án tuyển sinh riêng để phù hợp với việc đào tạo. vì vậy sẽ có ít trường - nhất là các trường từ tốp giữa trở xuống - dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Họ sẽ không xét tuyển theo khối thi truyền thống (khối A, B, C, D…) mà tuyển sinh theo các phương thức khác. Ví dụ trong đề án tuyển sinh riêng của nhóm trường kinh tế, các thí sinh phải thi hai môn toán và Anh văn nhưng lâu nay việc dạy và học vẫn quan niệm vào học khối kinh tế là phải thi ba môn toán, lý, hóa.

Nếu như đến đầu năm 2015 đồng loạt các trường cùng công bố đề án tuyển sinh riêng với những điểm mới như thế thì học sinh đang học lớp 11, 12 làm sao trở tay kịp. Giáo viên cũng sẽ rất bối rối khi định hướng ngành nghề cho học sinh. Vì vậy Bộ nên yêu cầu các trường ĐH-CĐ sớm công bố đề án tuyển sinh riêng (chứ không đợi đến trước 1-1-2015 theo quy định của Bộ GD&ĐT - PV) để giáo viên và học sinh kịp định hướng ngành nghề và chuẩn bị việc ôn tập thi cử.

Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại các học sinh rớt ĐH năm 2014 vẫn chưa biết định hướng việc học và thi cử cho năm 2015 ra sao. Đó là do các trường ĐH-CĐ vẫn chưa chính thức công bố đề án tuyển sinh của trường. Nếu như đợi đến trước 1-1-2015 các trường công bố đề án tuyển sinh thì e là quá muộn. Vì từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 6 (dự kiến kỳ thi quốc gia diễn ra vào ngày 9, 10, 11 và 12-6) chỉ có hơn năm tháng thì làm sao các thí sinh này ôn thi kịp.

Quy định một thí sinh được đăng ký vào nhiều trường ĐH sẽ “nở rộ” thí sinh ảo? Ảnh: HTD

Rối bời với hồ sơ ảo

Nếu như dùng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì các trường sẽ vấp phải lượng hồ sơ ảo rất lớn. Bởi một học sinh có thể gửi kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển tại nhiều trường khác nhau. Điều này làm các trường rất khó lấy được thí sinh cho đủ chỉ tiêu.

Mặt khác, nếu hồ sơ ảo quá nhiều sẽ làm mất cơ hội của các thí sinh khác. Trong khi mọi năm chúng ta tìm mọi cách để giảm lượng hồ sơ ảo. Ví dụ, học sinh A sau khi dự thi kỳ thi quốc gia với số điểm khá cao có thể lấy kết quả này để nộp vào năm trường ĐH. Nhưng kết quả cuối cùng thí sinh đó chỉ chọn học có một trường. Nếu như bốn trường còn lại đều đủ điểm để đậu thì hóa ra thí sinh A sẽ làm mất đi bốn cơ hội của các thí sinh khác.

Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐỘ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TP.HCM)

N.TRÂN ghi

Chỉ thầy và trò “đuối” thôi!

Tôi không hài lòng lắm với phương án thi mà Bộ GD&ĐT vừa chọn. Đây là giải pháp không lâu dài, lại gây không ít vấn đề rắc rối trong quản lý cũng như dạy và học của các trường. Rõ ràng lựa chọn an toàn với các em học sinh khi đăng ký môn thi sẽ nghiêng về khối D (toán, văn, ngoại ngữ) nhiều hơn. Điều này khiến việc học của các em sẽ bị lệch.

Từ đó giáo viên giảng dạy sẽ không đều tay, không ít môn sẽ bị cả thầy lẫn trò buông. Ban giám hiệu cũng vì thế mà chỉ dồn sức cho những môn chính. Năm nay chọn thi lệch thì năm sau cũng sẽ tương tự, khi đó các nhà quản lý lại lo lắng và tìm cách điều chỉnh. Cứ như vậy, giáo dục không thể ổn định được, chỉ có thầy trò chạy “đuối” thôi, ít nhất cũng kéo dài vài năm tới.

Hơn nữa phương án này sẽ tạo áp lực không nhỏ cho những em thi khối A và B. Những em đang học lớp 12 năm nay đã dồn sức học theo khối sẽ thi ĐH ngay từ lớp 10 rồi, nay lại phải đối phó với việc thay đổi của kỳ thi nên sẽ rất vất vả và áp lực.

LÊ THỊ MỸ TÍN,
giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM)

Nên tổ chức thi thử

Phương án Bộ đưa ra có vẻ hơi vội vàng, tạo áp lực không đáng có cho cả giáo viên lẫn học sinh. Theo tôi, kết thúc học kỳ I, Bộ nên cho các trường biết hình thức ra đề của các môn như thế nào. Sau đó Bộ chọn một số trường để tổ chức thí điểm thi thử, trong đó có cả trường chuyên, trường thường và ở vùng sâu. Bộ phải tổ chức thi và chấm nghiêm túc để có những đánh giá và rút kinh nghiệm một cách chính xác. Thầy trò cũng sẽ biết cấu trúc đề như thế nào.

Việc tổ chức thi theo cụm vừa do các địa phương chủ trì, vừa do các trường ĐH chủ trì sẽ tạo sự phân biệt rất lớn cho thí sinh. Nó thể hiện rõ nhất ở khâu gác thi, nơi nào thi theo cụm để xét vào ĐH sẽ tổ chức nghiêm túc. Còn lại, các em thi tại địa phương tổ chức vì không cần vào ĐH nên việc gác thi chắc chắn sẽ nhẹ nhàng. Mà như vậy thì chất lượng cũng sẽ không khách quan.

Việc xét tốt nghiệp cũng không phải đơn giản vì tùy theo điều kiện từng địa phương khác nhau. Nói là thi hai trong một nhưng Bộ vẫn dựa vào kết quả 12 năm học để xét tốt nghiệp nên tỉ lệ đậu chắc chắn vẫn rất cao. như thế thì cũng không có gì thay đổi cả. Đáng lẽ để chuẩn bị cho một kỳ thi chung như vậy cần có lộ trình để tâm thế các trường, giáo viên và học sinh được chuẩn bị kịp thời.

Thầy TRẦN VĂN QUANG, giáo viên Trường THCS-THPT Quang Trung-Nguyễn Huệ (TP.HCM)

PHẠM ANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm