Môn toán khả dĩ vẫn nhiều vì các khối thi A, B, D, D1 trước đây đều đã có thi toán, số lượng bài thi tăng không đáng kể. Môn tiếng Anh dù có tăng nhiều hơn nhưng chấm bằng máy nên việc chấm bài không thành vấn đề.
Riêng về môn văn rất cần quan tâm, đòi hỏi bộ phải có kế hoạch và lường trước được mọi tình huống ngay từ bây giờ, nếu không khi bắt tay vào thực hiện sẽ gặp nhiều rắc rối.
Thứ nhất, do đặc thù bộ môn, môn văn thường có sự chênh lệch giữa các giám khảo để thống nhất đúng với quy định chấm thi thường rất ít, trong chấm thi văn có một thực tế ai mạnh miệng hơn sẽ lấn át được người chấm chung. Bởi vậy cần kiểm soát chặt chẽ quy trình chấm.
Thứ hai, một điều chắc chắn rằng các thí sinh hầu hết sẽ thi thẳng vào ĐH. “Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực”.
Bài toán đặt ra là các trường ĐH làm sao có đủ giáo viên để chấm thi môn văn? Vậy phải huy động nguồn lực từ giáo viên phổ thông? Điều này từng được thực hiện, nhưng trước đây khi số lượng bài thi môn văn còn ít, các trường ĐH cũng đã quá vất vả để tìm thuê giáo viên chấm thi. Nay số lượng tăng lên đột biến như thế liệu có rơi vào tình trạng không có điều kiện để chọn lọc đội ngũ chấm?
Qua những kỳ thi tốt nghiệp trước đây, một thực tế là không phải giáo viên nào dạy lớp 12 cũng cho điểm đúng, đánh giá đúng bài làm của thí sinh. Trong một kỳ thi quan trọng đến số phận thí sinh như thế, làm sao để lựa chọn được những giám khảo đủ tâm, đủ tài?
Nên chăng bộ cần phải đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn giám khảo, không phải giáo viên nào dạy văn lớp 12 cũng đều có thể đưa đi chấm thi, mỗi trường THPT chỉ nên lựa chọn vài ba giáo viên thật sự giỏi và coi đó là một nhiệm vụ của năm học để buộc họ phải thực hiện. Thực tế là những giáo viên giỏi chỉ đi chấm thi khi bị bắt buộc.
Các thành phố lớn đang hình thành một đội ngũ giáo viên đi chấm thi vào mùa hè, việc làm lúc “nông nhàn” để kiếm thêm thu nhập qua sự giới thiệu của bạn bè và có giấy giới thiệu của nhà trường là bất cứ giáo viên nào cũng có thể chấm thi. Trong số ấy có không ít người chưa từng dạy văn lớp 12, và cũng không ít người chấm theo lối đếm ý mà không thấy được sự tổng thể của bài làm.
Thông thường các thầy cô ở ĐH chấm thoáng và đúng hơn so với thầy cô phổ thông, nhưng không phải ai cũng có thể làm giám khảo.
Đã từng xảy ra những trường hợp bài làm của thí sinh sau khi phúc khảo chênh lệch tới 3 điểm, không phải do cộng nhầm mà vì giám khảo đầu chấm sai. Chưa kể trong chấm phúc khảo môn văn nếu chênh lệch dưới 1 điểm hầu như bị bỏ qua, trong lúc chỉ cần nửa điểm thí sinh có thể từ rớt thành đậu.
Tăng tiền thù lao để tăng thêm trách nhiệm cũng là một cách, đồng thời có những hình thức để khuyến khích các giáo viên giỏi tham gia chấm thi. Bên cạnh đó phải có những biện pháp hành chính đối với những giám khảo chấm thiếu chính xác.
Theo HOÀNG THỊ THU HIỀN, chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM (TTO)