Ngày 5-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có cuộc giám sát về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Giá 20 triệu, bồi thường 2 triệu!
Theo UBND huyện Hóc Môn, một trong những nguyên nhân xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo trong quá trình bồi thường, GPMB của dự án là giá bồi thường quá chênh lệch so với thị trường, đặc biệt là đất nông nghiệp. Đây không chỉ là vấn đề riêng của huyện Hóc Môn mà các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng đang gặp phải vướng mắc tương tự.
Theo ông Phạm Xuân Nam, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Hóc Môn, trên địa bàn huyện, ngoài đất thuần nông nghiệp chỉ để sản xuất nông nghiệp thì còn loại đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư hoặc dọc theo mặt tiền các tuyến đường lớn. Đây cũng là những khu vực có tốc độ đô thị hóa rất cao, nhiều nơi lại nằm trong quy hoạch treo, người dân không còn sản xuất nông nghiệp nhưng cũng không thể chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, sản xuất khác hoặc dịch vụ... Khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án lại chỉ bồi thường theo giá đất nông nghiệp thuần nên người dân không đồng thuận.
Ban Bồi thường GPMB huyện lấy ví dụ đất nông nghiệp dọc theo các tuyến đường lớn như Đặng Thúc Vịnh, Tô Ký, hầm chui An Sương… Hiện nay giá bồi thường đất nông nghiệp chỉ khoảng 1,1-2 triệu đồng/m2. Giá đất ở, Nhà nước bồi thường khoảng 20 triệu đồng/m2. “Mức giá này cũng mới chỉ bằng 60%-70% giá thị trường tại khu vực này nhưng người dân vẫn đồng thuận. Riêng đất nông nghiệp thì họ không đồng tình và có hàng trăm đơn khiếu nại gửi lên huyện” - Ban Bồi thường GPMB huyện Hóc Môn cho biết.
Ban Bồi thường GPMB cũng cho hay tuyến đường Đặng Thúc Vịnh đã có quy hoạch mở rộng lộ giới từ năm 1995. Đến nay đã gần 25 năm, do nằm trong quy hoạch nên người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn là đất nông nghiệp. Hiện nay khu vực này đã đô thị hóa nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp vẫn là 2 triệu đồng/m2.
Tuyến đường Tô Ký nhưng đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư được bồi thường rất thấp. Ảnh: LƯU ĐỨC
Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cũng cho biết hiện nay huyện gặp rất nhiều khó khăn khi vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng. Toàn dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh và Tô Ký có hơn 1.700 hộ dân bị ảnh hưởng. Bà Tuyền cho biết hiện đã có hơn 200 hộ dân gửi đơn lên huyện đề nghị xem xét lại loại đất để có mức bồi thường hợp lý.
Huyện Hóc Môn kiến nghị đối với những loại đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư như đã nêu trên cần cho người dân chuyển đổi sang đất ở. “Khi Nhà nước bồi thường cho dân thì bồi thường theo giá đất ở, người dân chuyển sang đất ở cũng phải đóng tiền sử dụng đất thì Nhà nước cũng đã có nguồn thu từ đó. Như thế sẽ đỡ thiệt thòi cho dân, mất nguồn thu cho Nhà nước và dự án cũng sẽ được tiến hành nhanh hơn” - bà Tuyền nói.
Đã thấy nhưng chưa thể sòng phẳng
Theo đại diện Sở Tài chính, trước đây với đặc thù của TP.HCM là tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhiều nơi dù trên giấy tờ là đất nông nghiệp nhưng thực tế là người dân từ lâu đã không còn sản xuất nông nghiệp. Đất này chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư và được xem là đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư. Mức giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng được tính giá cao hơn đất nông nghiệp thuần. Cao nhất khoảng 5 triệu đồng/m2. “Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 2013 ra đời thì loại đất này vẫn chỉ được tính như đất nông nghiệp thuần” - Sở Tài chính cho biết.
Đồng thời, Sở Tài chính cho hay UBND TP đã nhận thấy vướng mắc này trong quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án. TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ TN&MT về nội dung này, tuy nhiên đến nay bộ vẫn chưa có ý kiến trả lời.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, giá đất nông nghiệp theo mức bồi thường của Nhà nước hiện nay là rất thấp. Ông Quốc cho rằng ai cũng thấy được chỉ cần chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở là giá đất sẽ một trời một vực so với khi còn là đất nông nghiệp. Hoặc sau khi đầu tư dự án thì giá đất đó so với giá cũ là cao ngất ngưởng. Nhưng khi bồi thường thì người dân chỉ được hưởng mức rất thấp. “Cái này theo tôi cần phải kiến nghị theo hướng sửa đổi Luật Đất đai để tạo thuận lợi cho công tác bồi thường GPMB và công bằng hơn với người sử dụng đất. Đồng thời cũng sẽ giảm bớt được khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai” - ông Quốc nói.
Đại biểu Trần Kim Yến cũng cho rằng trong việc bồi thường GPMB, khó khăn nhất vẫn là đơn giá bồi thường. “Đối với khu vực đô thị hóa cao như TP.HCM, nếu bồi thường cho dân theo giá đất nông nghiệp thuần túy là chưa công bằng. Khi dự án mọc lên, giá đất có sự chênh lệch rất lớn so với giá họ được bồi thường. Đây là điều mà chưa thật sự sòng phẳng với dân” - bà Yến nhìn nhận.
Khó chi trả bồi thường trong 30 ngày Theo ông Phạm Xuân Nam, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Hóc Môn, việc chi trả bồi thường cho dân phải tiến hành trong thời gian 30 ngày theo quy định hiện nay là rất khó thực hiện. Ông Nam cho biết quy định này có thể áp dụng đối với các dự án có quy mô nhỏ. Còn đối với những dự án có quy mô ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân thì không thể thực hiện được. Riêng việc chuẩn bị hồ sơ cũng mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể có những trường hợp mời người dân đến chi trả bồi thường, dân không đến thì cũng làm chậm trễ thời gian quy định. Trong khi đó, luật cũng quy định quá 30 ngày mà không chi trả xong thì phải trả thêm lãi suất phát sinh. Tuy nhiên, lãi suất này là bao nhiêu và lấy từ nguồn nào, do ai chi trả thì cũng không được quy định rõ. |