Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách, trước khi trình QH tại kỳ họp thứ sáu diễn ra vào tháng 10 tới đây. Các ban ngành liên quan đang gấp rút tổ chức các buổi hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học… để chắt lọc tiếp thu những quy định tốt nhất cho dự thảo luật.
Liên quan đến quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, so với bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân hồi tháng 1-2023 thì bản dự thảo mới ngày 27-7 đã có sự điều chỉnh.
Cụ thể, dự thảo mới đã bỏ đi nguyên tắc "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Thay vào đó, dự thảo mới gộp chung các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vào Điều 90, trong đó, bổ sung vào điều khoản này nguyên tắc « .Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi”.
Tuy nhiên nội dung này đã được quy định tại điều khoản về tái định cư tại dự thảo trước. Tức là không có sự thay đổi so với dự thảo trước. Điều này tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
|
Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG |
Cần đưa vào luật để làm căn cứ hướng dẫn chi tiết
Trao đổi với PLO, bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho biết, trong những năm qua, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dành cho người bị thu hồi đất từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai rất phức tạp.
Bà Hương đồng tình với việc quy định nguyên tắc “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Theo bà, không nên bỏ nguyên tắc này khỏi dự thảo luật, phải đưa vào luật để làm căn cứ pháp lý cho các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật qui định chi tiết và hướng dẫn khi luật có hiệu lực.
Ngoài ra, theo bà Hương, với những người dân khi nhường đất để nhà nước thực hiện các dự án, họ mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Vì vậy, để đảm bảo tính công khai, minh bạch thì đề nghị phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư, ví dụ như: diện tích nhà ở tối thiểu/người; mức thu nhập bao nhiêu vv… Đồng thời, cần thực hiện có hiệu quả việc đào việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất, cụ thể: “Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất do UBND cấp tỉnh thành lập. Nguồn tài chính của Quỹ được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật”.
Hay tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức mới đây, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nói “Có vẻ thấy khó quá, không cụ thể nên lại bỏ đi”.
“Chúng ta không nên lảng tránh việc này” - ông Cường nói thêm. Theo ông, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về quản lý, sử dụng đất đưa ra nguyên tắc trên “rất đúng” và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải “thể chế hóa”, làm thế nào để có chỗ ở tốt hơn.
“Chỗ ở tốt hơn không có nghĩa là anh đang ở biệt thự, sau phải có biệt thự to hơn…”. Ông Cường cho rằng “chỗ ở tốt hơn” là nếu phải di dời, người dân trước hết phải được (ưu tiên) tái định cư tại chỗ. Trường hợp buộc phải di chuyển đến nơi mới thì nơi mới đó phải là nơi tốt nhất.
Nguyên tắc mang tính tuyên ngôn, khó áp dụng thống nhất
ThS Ngô Gia Hoàng, trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng không cần thiết phải đưa nội dung "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" vào quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bởi lẽ :
Thứ nhất, tinh thần của Nghị quyết 18 là "có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Như vậy, nhiệm vụ của Luật Đất đai là cụ thể hóa chủ trương hết sức đúng đắn, nhân văn này bằng các quy định pháp luật, điều đó không đồng nghĩa với việc ghi nhận nguyên văn nội dung này vào luật.
Thứ hai, việc xây dựng pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, ngôn ngữ và cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Trong khi đó nguyên tắc nêu trên có phần định tính, như thế nào là "bằng" hay "tốt hơn", dựa vào căn cứ nào để đánh giá.
Thứ ba, ý nghĩa của chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là nhằm bảo đảm lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi, bù đắp những tổn thất mà họ phải gánh chịu khi bị mất đi quyền sử dụng đất, đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống của họ sau thu hồi. Việc yêu cầu phải "đảm bảo thu nhập" bằng hoặc tốt hơn có vẻ như vượt quá phạm vi và khả năng của chính sách này.
Thứ tư, quy định pháp luật là để áp dụng vào đời sống. Việc ban hành một quy định mang tính tuyên ngôn, cảm tính sẽ dẫn đến nguy cơ hiểu và áp dụng khác nhau, dẫn đến sự không đồng thuận, bức xúc từ phía người dân nếu không thống nhất giữa các bên về việc đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay chưa, từ đó dẫn đến tranh chấp, kéo dài tiến độ thực hiện các dự án.
Cuối cùng, ThS Ngô Gia Hoàng góp ý thay vì quy định chung chung về mặt nguyên tắc như trên, dự thảo nên thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định rõ ràng, có tiêu chí đánh giá minh bạch. Đơn cử như: Đảm bảo nguyên tắc bồi thường tương xứng giá trị đất bị thu hồi, cụ thể hóa bằng các quy định về phương thức bồi thường linh hoạt, giá đất tính tiền bồi thường phải tương xứng; thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi;…
Bỏ hay giữ phải xem cả những điều khoản khác
Muốn bỏ hay giữ nguyên tắc này thì trước tiên, chúng ta cần xác định được tinh thần của nguyên tắc “sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở được hiểu như thế nào?”, “việc bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ được xác định ra sao? Đồng thời, phải xác định nguyên tắc này đã được diễn giải, quy định chi tiết tại các điều khoản khác chưa?
Tôi cho rằng, nguyên tắc “sau khi thu hồi đất phải đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở” cần được hiểu là nếu người dân bị thu hồi đất ở thì cần được đảm bảo chỗ ở.
Cụ thể Khoản 4 Điều 110 Dự thảo (bản mới ngày 27-7) đã quy định “Hộ gia đình, cá nhân có đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường về đất ở theo quy định tại Điều 94 của Luật này mà phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư”. Trường hợp người dân bị thu hồi đất nông nghiệp thì không bắt buộc đảm bảo chỗ ở, nhưng nếu người dân có “nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư” (Khoản 6 Điều 110 Dự Thảo mới).
Rõ ràng, nguyên tắc đó, đã được diễn giải tại Điều khoản khác của Dự thảo Luật Đất đai và được quy định theo hướng công bằng, khách quan.
Còn nguyên tắc “việc bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thì quá định tính, không định lượng.
Vì vậy, để tránh những trường hợp hiểu sai và lợi dụng nguyên tắc đó để xây nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc không đủ điều kiện để được bồi thường nhà ở nhưng yêu cầu nhà nước phải đảm bảo chỗ ở. Đồng thời để đảm bảo việc triển khai được các nguyên tắc trên thực tế và có hiệu quả thì tôi cho rằng nên bỏ nguyên tắc này, thay vào đó là xây dựng các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách đầy đủ, chi tiết, cụ thể, công bằng, khách quan tại các Điều khoản khác của Dự thảo và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Chẳng hạn, xây dựng theo hướng hỗ trợ toàn bộ thời gian thuê nhà cho các đối tượng bị thu hồi đất ở phải thay đổi chỗ ở cho đến khi đã có chỗ ở mới hoặc xây xong nhà ở mới; đảm bảo bồi thường về đất có vị trí tương đồng, ví dụ: cá nhân kinh doanh quán ăn thì được suất tái định cư (nhà ở hoặc đất ở) tại vị trí tương đương, số dân tương đương, thuận tiện để mở quán ăn,…
LS NGUYỄN PHƯỚC VẸN, Đoàn LS TP.HCM