Tại buổi góp ý cho dự án sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội diễn ra chiều nay (27-10), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nói như trên sau khi dẫn chứng về việc bồi thường oan, sai cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang).
"Không gì bồi thường được việc đưa một con người vào tù oan, dẫu chỉ một năm. Càng không thể để một người đi tù mười mấy năm mà bồi thường số tiền rất nhỏ, mang ý nghĩa tượng trưng" - bà nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề và cho rằng vướng nhất của việc thực hiện TNBTCNN hiện nay là “một số trường hợp kéo dài quá trình bồi thường”.
Dẫn chứng hai vụ việc bồi thường oan, sai nổi cộm trong thời gian qua, bà Nga nói: “Vụ ông Huỳnh Văn Nén tại sao lúc đầu thỏa thuận hơn 10 tỉ đồng nhưng thỏa thuận lần gần đây nhất lại còn 2,6 tỉ đồng?”. Bà Nga đề nghị “TAND Tối cao cần kiểm tra lại trường hợp cụ thể này”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Theo bà Nga, điều này liên quan đến việc phải rà lại luật này và Bộ luật Tố tụng dân sự, vì đây là trường hợp thuộc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tức là thủ tục tố tụng dân sự, tức trách nhiệm chứng minh lúc này thuộc về người khởi kiện.
Theo bà Nga, người bị ngồi tù oan đến 17 năm thì làm cách nào để đủ giấy tờ chứng minh được thiệt hại, điều này là rất khó khăn. Cách xử lý quan trọng là phải xác định “chi phí thực tế hợp lý” như thế nào để công bằng giữa các trường hợp oan, sai.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị trong Luật TNBTCNN đang sửa đổi phải có quy định cụ thể về phương pháp xác định chi phí, phân loại cụ thể từng trường hợp để đảm bảo cách tính chi phí thực tế hợp lý cụ thể thống nhất, để một người tù oan ở vùng sâu, vùng xa, miền Nam cũng được bồi thường giống như một người bị oan ở phía Bắc.