Trên hai số báo qua, chúng tôi nêu thực trạng nhiều địa phương phê xấu vào bản sơ yếu lý lịch của người dân khi họ đi xin việc, đi học... một cách tùy tiện, sai pháp luật. Đặc biệt, tại xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) xem việc phê xấu vào lý lịch người dân như một biện pháp răn đe vì người dân đã phản đối một công ty khai thác cát tại xã này.
Về việc trên, ngày 15-11, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu (ĐB) nói ngay: Đây là việc làm sai và sẽ có ý kiến để dẹp ngay việc này. Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, TP Đà Nẵng cũng không đồng tình với cách làm tùy tiện của chính quyền cấp xã…
Phải sửa sai ngay!
Bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐB Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, nói ngay: Xã không nên phân biệt và phê vào sơ yếu lý lịch của công dân như vậy được. Nếu gia đình không chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì địa phương giải quyết việc không chấp hành đó. Con cháu họ xác nhận sơ yếu lý lịch để đi học, đi làm thì chính quyền phải tạo điều kiện chứ không thể quan liêu bao cấp như ngày xưa được. Chính quyền làm như vậy là sai!
Bà Cao Thị Dung bần thần khi xã Phước Ninh phê xấu vào sơ yếu lý lịch của con mình. Ảnh: LK
Việc xã giải thích đấy là một biện pháp chế tài, răn đe càng không hợp lý. Muốn chế tài thì phải theo quy định chứ không được tùy tiện. Dù mẫu sơ yếu lý lịch có mở ngoặc để chính quyền nhận xét thêm về tư cách nghề nghiệp và hoàn cảnh gia đình thì cán bộ, công chức khi nhận xét cũng phải nghĩ đến cái tâm, cái tầm để nhận xét sao cho thấu tình đạt lý.
Đây là lĩnh vực thuộc chính quyền xã chứ không phải lĩnh vực công an, nếu là lĩnh vực công an, tôi sẽ xử lý khác. Nhưng với tư cách là ĐB Quốc hội, tôi sẽ có ý kiến ngay với chính quyền địa phương, không để họ dùng biện pháp hành chính cản trở việc học hành và làm việc của công dân như vậy được. Với trường hợp cụ thể báo nêu, việc khai thác cát của doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng do ảnh hưởng đến nguồn nước tưới hoa màu cùa người dân nên họ bức xúc phản ứng bằng cách chặn xe. Trong trường hợp này, chính quyền và nhân dân nên đối thoại để giải quyết chứ chính quyền không thể vì thế mà phê vào lý lịch của con cháu người dân làm ảnh hưởng đến chuyện học hành, xin việc của con cháu họ.
Cùng quan điểm, ông Ngô Văn Thương, Trưởng phòng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, được giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận ủy quyền phát ngôn, nói: Về nguyên tắc, bản sơ yếu lý lịch của công dân thể hiện nội dung thế nào thì xã chỉ ký xác nhận nội dung đó chứ không được phê thêm. Xã Phước Ninh ký, phê thêm nội dung xấu vào lý lịch công dân là sai. UBND huyện Thuận Nam phải chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện rà soát, xem xét và chỉ đạo xã Phước Ninh khắc phục sửa sai ngay cho những người xã trót phê xấu vào lý lịch của họ bằng một bản lý lịch đúng quy định.
Ông Thương cho biết câu phê xấu lý lịch đã không còn từ sau năm 1990. Trên thực tế hiện nay, người dân có xin xã xác nhận Gia đình chấp hành tốt chính sách, pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho dân ở các trường hợp như xin ân xá, giảm án tù, thăm nuôi, khen thưởng…
Cần thống nhất mẫu sơ yếu lý lịch
Nói về chuyện phê xấu lý lịch người dân của chính quyền cấp xã, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, nói: Đây là cách làm sai, không đúng với quy định của pháp luật và thực trạng này cần phấn đấu để dẹp bỏ. Ở các địa phương, thậm chí họ còn lợi dụng việc xác nhận lý lịch để ghi thêm các vi phạm khác như nợ thuế… để không cho người ta đi học, đi làm. Đó là vi phạm quyền công dân, vi phạm dân chủ. Những người xác nhận như vậy là đang lợi dụng để đạt được mục đích nào đó của mình mà như thế là không phải vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Đó là cái tật, là sai.
Trong hai bài báo trước, chúng tôi cũng nêu trường hợp anh B. bị một xã của huyện Cái Bè (Tiền Giang) phê xấu vào lý lịch vì gia đình không đồng tình việc chính quyền xây tường ngang qua nhà. Về việc này, ĐB Trần Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nói: Theo quan điểm của tôi, mẫu sơ yếu lý lịch hiện không thống nhất, mỗi nơi một kiểu. Có sơ yếu lý lịch chỉ yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận khai đúng hay không, có sơ yếu lý lịch yêu cầu nhận xét cả tư cách nghề nghiệp và cả hoàn cảnh gia đình… nên cần xem lại. Mặt khác, trong sơ yếu lý lịch ở phần cuối bao giờ cũng có câu cam kết là “khai đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm” nên chính quyền địa phương khi xác nhận chỉ cần khẳng định lý lịch đó khai có đúng hay không so với hồ sơ đang được quản lý tại địa phương. Chính quyền không thể ghi chung chung là “chưa chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước” sẽ ảnh hưởng đến quyền của công dân. Theo tôi, để tránh việc nhận xét tùy tiện làm ảnh hưởng đến quyền của người dân, mẫu sơ yếu lý lịch nên thống nhất.
Ở TP Đà Nẵng, Sở Tư pháp chỉ đạo chính quyền địa phương chỉ được ký xác nhận chứ không đả động gì đến nội dung trong lý lịch của người dân. Chủ yếu là ký xác nhận lời khai của người đó có hộ khẩu, nhân khẩu thường trú có thuộc quyền quản lý của địa phương hay không mà thôi. Ông NGUYỄN BÁ SƠN, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng |
NHÓM PV