Xã không được “bôi xấu” lý lịch công dân

Trên số báo trước, chúng tôi nêu việc chị Đ. ở xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) và anh B. ở một xã của huyện Cái Bè (Tiền Giang) bị chính quyền cấp xã phê xấu vào lý lịch xin việc. Điều này vô hình trung đã làm mất cơ hội đi xin việc làm của công dân vì các cơ quan tiếp nhận sẽ ngại ngùng với người xin việc.

Ngay trong ngày báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh hiện tượng này, xã Phước Ninh tiếp tục phê xấu vào lý lịch công dân.

Tiếp tục “trả đũa” người dân

Chiều 14-11, bà Cao Thị Dung (thôn Thiện Đức, Phước Ninh, Thuận Nam, Ninh Thuận) nghẹn ngào khi nhận tờ sơ yếu lý lịch của con gái (vừa tốt nghiệp ngành y) do xã Phước Ninh ký. Trong phần nhận xét và chứng nhận của chính quyền địa phương, chủ tịch xã phê “Gia đình không chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật nhà nước”.

Bà Dung là một trong 73 hộ dân từng ký đơn phản đối việc khai thác cát gây ảnh hưởng môi trường, an sinh xã hội và chặn xe ben chở cát của Công ty TNHH Khoáng sản Mai Nguyên. Bà Dung bức xúc nói: “Khi triển khai hoạt động khai thác cát tại khu vực đầu nguồn sông Lu, xã không họp dân thông báo lấy ý kiến. Ngoài chuyện gây sạt lở bờ sông, ô nhiễm bụi, mau chóng xuống cấp đường bê tông thì việc xe chở cát chiếm đường vốn đã hẹp cản trở người dân vận chuyển nông sản nên người dân phản đối, chặn xe chở cát. Vì việc này mà cán bộ xã tuyên bố sẽ bao vây 73 hộ dân và họ làm thiệt bằng chuyện phê xấu vào lý lịch người dân”.

Xã không được “bôi xấu” lý lịch công dân ảnh 1

Người dân xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam chặn xe ben chở cát. (Ảnh do người dân cung cấp)

Xã không được “bôi xấu” lý lịch công dân ảnh 2

Ngày 14-11, chủ tịch xã tiếp tục xác nhận xấu vào sơ yếu lý lịch của công dân.

Theo bà Dung, sáng 13-11, bà mang bản lý lịch của con đến xã xác nhận để bổ sung vào hồ sơ xin việc làm ở TP.HCM. Cán bộ xã hẹn sáng 14-11 lên lấy. Đến hẹn, bà đến thì xã hẹn đến chiều và lần này bà nghẹn ngào với lời phê của chủ tịch xã trong bản sơ yếu lý lịch của công dân.

Việc xã Phước Ninh phê xấu như trên liệu có phù hợp pháp luật hay chỉ là biện pháp “trả đũa?”... Nhiều người cho rằng đây là việc làm kỳ cục, không có căn cứ pháp lý.

Phê như thế là sai

ThS Cao Vũ Minh, giảng viên khoa Luật hành chính (ĐH Luật TP.HCM) nói: Việc công dân đề nghị xác nhận lý lịch cá nhân thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Trong nhiều trường hợp, sơ yếu lý lịch chỉ có giá trị khi có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Thông tư liên tịch 01/2009, UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc đăng ký hộ tịch; cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực các việc khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, về nguyên tắc, việc xác nhận những nội dung cụ thể có liên quan đến thông tin về hộ tịch, cư trú của công dân trong sơ yếu lý lịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã nơi công dân có đăng ký thường trú.

Trong thông tư này không hề cho phép UBND cấp xã được quyền “chứng thêm” vào sơ yếu lý lịch của người yêu cầu chứng thực với nội dung không mấy tốt đẹp là: “Gia đình không chấp hành pháp luật, thường xuyên vi phạm pháp luật…”.

Theo nguyên tắc “cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” thì khi pháp luật không quy định, UBND cấp xã không thể tùy tiện áp dụng cách “chứng thực thêm” này.

Bên cạnh đó, nếu việc chứng thực sơ yếu lý lịch chỉ đơn thuần là chứng thực chữ ký mà không cần xác nhận các nội dung cụ thể về hộ tịch, cư trú của công dân thì Nghị định 79/2007 cũng không cho phép UBND cấp xã “chứng thêm” nội dung khác vào sơ yếu lý lịch.

Cách khác, tuy chưa minh thị nhưng không có cơ sở pháp lý nào để viện dẫn cho cách “bôi xấu” trong sơ yếu lý lịch của UBND cấp xã khi chứng thực sơ yếu lý lịch của công dân.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận:

“Cần thời gian nghiên cứu tình tiết pháp lý”

Khoảng 17 giờ 30 ngày 14-11, tiếp xúc với ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận, trước cửa phòng họp để phản ánh việc xã Phước Ninh “phê xấu” vào lý lịch công dân, ông Thanh nói: “Việc ký, xác nhận lý lịch là thẩm quyền của UBND cấp xã. Lãnh đạo UBND cấp xã có quyền ghi phần nhận xét vào lý lịch đương sự. Trường hợp của xã Phước Ninh, tôi cần có thời gian nghiên cứu kỹ các tình tiết pháp lý nên chưa thể trả lời ngay là xã làm đúng hay sai”.

Ông Thanh hẹn sẽ trả lời vào chiều nay (15-11).

M.TRÂN

Sau khi cán bộ tư pháp hộ tịch kiểm tra nội dung đúng như trình bày thì cấp xã chứng thực theo biểu mẫu của bộ thủ tục hành chính đã được công bố. Cấp xã không được thêm bớt hoặc làm khác được. Cho dù bản thân họ hay gia đình đang có thưa kiện, tranh chấp, tố cáo, thậm chí chưa di dời giải tỏa nhà vi phạm… tôi cũng không đồng tình với việc nhận xét, ghi chú nội dung đó vào sơ yếu lý lịch của họ. Chứng thực sơ yếu lý lịch chứ không phải xử lý vi phạm hành chính hay giải quyết tố cáo, tranh chấp… Ai lại phê xấu kỳ cục vậy? Làm như vậy chẳng khác nào “trả đũa”, ngăn cản người dân tìm việc làm.

Ông LÊ VĂN DỪA,
Chủ tịch UBND phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM

L.KÝ - H.TÚ

Kỳ sau: Những người có trách nhiệm phân tích sâu hơn những vô lý, sai pháp luật của cấp xã khi phê xấu vào sơ yếu lý lịch công dân cùng cách tháo gỡ vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm