Năm con năm tuổi, chị bày ra hình thức thưởng sticker khi con không đái dầm, kết quả con chẳng được một cái sticker nào. Khi con lên sáu, chị cho con tự chọn một hình thức thưởng lớn khi con không đái dầm, con chị ban đầu khá thích thú nhưng chẳng quan tâm gì nữa sau vài tuần liên tục đái dầm. Giờ con chị đã lên bảy tuổi, người thân, bạn bè bắt đầu rủ rê con chị ngủ lại qua đêm nhưng con không dám nhận lời vì xấu hổ với tật đái dầm.
Chị tìm tới chuyên gia sau khi mọi nỗ lực giúp con thoát tình trạng đái dầm không có kết quả. Lời khuyên của chuyên gia là phải áp lực cho cả mẹ và con khỏi chuyện đái dầm, đưa con đến bác sĩ nhi khám để biết chính xác tình trạng này nhưng cả hai đừng quá tập trung vào chuyện đái dầm của con.
Theo chuyên gia, dù đây không phải là hiện tượng hiếm nhưng các bậc cha mẹ cũng phải ứng xử thận trọng. Ảnh minh họa
Cha mẹ chắc chắn rất phiền lòng khi phải thay ga giường hằng ngày, hằng đêm nhưng phải hiểu rằng cảm xúc của con còn tệ hơn thế. Đó là cảm giác có lỗi, lo lắng, mất tự tin. Những cảm xúc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự tôn và tự tin của con. Một đứa trẻ mắc chứng đái dầm rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực như: mình vẫn là một em bé, mình không thể làm được điều này. Những suy nghĩ này có thể sẽ đi theo con cả trong chặng đường sau này.
Thái độ của cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc đứa trẻ sẽ đối phó với tình trạng đái dầm như thế nào. Nếu cha mẹ đặt áp lực lên con, con sẽ mất dần tự tin và dẫn đến hậu quả là lúc nào con cũng ở trong tình trạng lo lắng. Cha mẹ cần thiết phải tránh những cái bẫy sau đây mà mới nhìn qua có thể nghĩ nó sẽ mang lại hiệu quả tốt.
1. Lập bảng dán sticker và treo phần thưởng cho con nếu con bỏ được đái dầm. Rất nhiều bậc cha mẹ dùng tới cách này với mong muốn con ngưng đái dầm, họ nghĩ phần thưởng sẽ khuyến khích con ngưng đái dầm. Nhìn qua thì đây có vẻ là một hình thức tích cực nhưng thực chất đó là cách làm sai. Vấn đề ở đây là đái dầm không phải là hậu quả của việc con lười thức dậy đi vệ sinh hay cố tình chống đối cha mẹ, mà là hậu quả của việc con không thể kiểm soát việc đái trong lúc ngủ. Đái dầm có một phần lý do vì gen, một số lý do khác là do xáo trộn giấc ngủ, tác dụng phụ của thuốc nhưng hoàn toàn không phải là ý muốn chủ quan của trẻ. Lập bảng dán sticker và treo phần thưởng cho con ngưng đái dầm là việc không nên làm vì một khi không đạt được sticker và phần thưởng con sẽ có cảm giác buồn, vô dụng và lo lắng.
2. Bắt trẻ chịu trách nhiệm giặt giũ ga mền hằng ngày cũng là việc cha mẹ nên tránh làm vì đó giống như một hình phạt. Với một số trẻ thì điều đó sẽ ảnh hưởng lòng tự tôn của chúng. Điều tối quan trọng cha mẹ luôn phải nhớ là đái dầm không phải là sự cố ý của trẻ. Bạn thất vọng về việc con đái dầm, con bạn có thể cũng có tâm trạng thất vọng như vậy. Cùng dọn giường với con, an ủi con không những giúp con bình tĩnh và giảm căng thẳng mà còn giúp liên kết giữa cha mẹ và con mạnh hơn.
3. Trừng phạt trẻ vì đái ướt giường, không cho coi tivi, không cho chơi game… không làm trẻ thôi đái dầm. Con không có lỗi trong việc này và trừng phạt chỉ mang lại cho con cảm giác tuyệt vọng cùng các cảm xúc tiêu cực khác.
4. La lối, chỉ trích trẻ khi sự cố đái dầm ban đêm xảy ra là việc cần tránh làm. Các bậc cha mẹ luôn phải cẩn trọng về lời nói đối với con. Tuyệt đối không nên mỉa mai con vì nó sẽ làm con rất đau lòng và khó quên, hậu quả là sự tự tôn của con bị ảnh hưởng mạnh. Cũng không nên lầm bầm, có thái độ bất mãn, nặng nề với trẻ vì trẻ chắc chắn sẽ cảm nhận được và hậu quả tiêu cực không kém lời nói mỉa mai.
Làm cha mẹ không bao giờ dễ dàng. Mỗi giai đoạn đều có những thách thức mới. Con đái dầm có thể làm cha mẹ căng thẳng để rồi họ lại đẩy sự căng thẳng đó qua con. Để tránh điều đó cha mẹ cần phải kiên nhẫn và có thái độ ủng hộ con.
Một điều nên làm là nếu con đã hơn sáu tuổi mà vẫn đái dầm thì nên đưa con đi khám. Có thể bác sĩ sẽ có những tư vấn để cha mẹ và con vượt qua thời kỳ này một cách dễ dàng hơn.