Bốn phía đạn bom, dân Dải Gaza không biết phải đi đâu

(PLO)- Người dân tại Dải Gaza không biết nên đi đâu, về đâu trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas tiếp diễn nguy hiểm với bốn phía là đạn bom.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas bắn rocket vào Israel, các máy dò tiên tiến đã kích hoạt hệ thống báo động ở các khu vực, giúp dân thường chạy đến những hầm tránh bom để lánh nạn.

Dải Gaza không có hệ thống tiên tiến như thế. Do vậy, khi lực lượng Israel pháo kích khu vực này, người dân rơi vào tình thế hoàn toàn bất ngờ và dường như không có chỗ ẩn náu vững chắc.

5fb9c899-258a-4b4e-b112-2387a355009d.jpeg
Người dân ở Dải Gaza mang đồ đạc tìm nơi trú ẩn sau trận không kích của Israel hôm 13-10. Ảnh: AFP

Tối 12-10, phía Israel gửi yêu cầu Liên Hợp Quốc (LHQ) sơ tán 1,1 triệu dân ở miền bắc Dải Gaza xuống miền nam “để đảm bảo sự an toàn” cho chính họ. Tuy nhiên, theo đài CNN, trên thực tế, không nơi nào tại Dải Gaza là an toàn vào thời điểm hiện tại, khi khu vực này không có hệ thống cảnh báo và các trận pháo kích có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.

Không nơi nào an toàn

Sau khi Hamas tấn công một số nơi ở Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant cho biết: “Cái giá mà Dải Gaza phải trả sẽ rất nặng nề và sẽ thay đổi khu vực này qua nhiều thế hệ”. Ông Gallant sau đó ra lệnh "bao vây toàn diện" Dải Gaza.

“Không điện, không thức ăn, không nước, không gas, tất cả đều đóng cửa. Chúng tôi đang chiến đấu và đang hành động phù hợp” - ông Gallant nói.

Ông Bader Alzaharna - nhà nghiên cứu người Palestine và nhân viên gây quỹ tại tổ chức tư vấn Pal-Think có trụ sở tại Dải Gaza - cho biết: “Dải Gaza đang phải đối mặt tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, khan hiếm nguồn cung cấp nước, nhiên liệu và thực phẩm. Bây giờ, tình hình nhân đạo sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên, chưa kể đến điện, nước cho cuộc sống hàng ngày, việc đảm bảo an toàn tính mạng sau các trận không kích tại Dải Gaza đã là một điều khó khăn.

Ông Maisara Baroud (47 tuổi) là một cư dân ở Dải Gaza. Tối 9-10, tòa chung cư nơi ông ở bị Israel không kích. Ông Baroud sống sót nhờ tiếng hét cảnh báo của người hàng xóm. Tuy nhiên, tòa nhà ông ở cùng 5 tòa nhà khác trong khu vực đã bị phá hủy.

“Tòa nhà của tôi không còn ở được nữa. Nó chỉ còn trơ phần khung. Các cánh cửa bị phá hủy, các bức tường bên ngoài của tòa nhà đều biến mất, cửa sổ vỡ tan tành” - ông Baroud nói.

231012165316-02-gaza-civil-defense.jpg
Nhà của người dân tại Dải Gaza biến thành đống đổ nát sau trận không kích của Israel hôm 9-10. Ảnh: CNN

Người hàng xóm của ông Baroud kịp cảnh báo ông và những người khác rời khỏi tòa nhà là do người đó nhận được cuộc gọi từ phía lực lượng Israel. Theo đó, phía Israel thông báo họ sắp tấn công vào khu vực này.

Sau trận không kích đó, ông Baroud và những người khác cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Sau đó, họ quay trở lại tòa nhà để thu dọn đồ đạc.

Vài phút sau, người hàng xóm trên nhận được cuộc gọi tiếp theo từ lực lượng Israel. Họ được cảnh báo rằng một vụ đánh bom sắp được tiến hành. Các gia đình sau đó tiếp tục chạy ra ngoài.

Cuộc tấn công thứ hai đã phá hủy ngôi nhà của ông Baroud, biến tòa nhà và xưởng vẽ nghệ thuật của ông thành đống đổ nát.

Đây là thực tế những gì đang diễn ra với người Palestine sống tại Dải Gaza. Họ không có sự bảo vệ của cơ sở hạ tầng vững chắc, không có còi báo động không kích hay hầm tránh bom. Hơn 2 triệu người Palestine sống tại Dải Gaza phải dựa vào những cuộc điện thoại hoặc tin nhắn cảnh báo hiếm hoi từ lực lượng Israel để có thể kịp thời sơ tán, trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

“Ở Dải Gaza, chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi không có nơi nào để đi, không có hầm tránh bom, không có nơi ẩn náu. Chúng tôi đang ở trên đường phố” - ông Baroud nói.

Đi chẳng được, ở không xong

Trước yêu cầu của Israel về việc sơ tán 1,1 triệu người dân ở miền bắc Dải Gaza xuống miền nam, phía Hamas đã ra lời kêu gọi người dân ở yên trong nhà và gọi yêu cầu của phía Israel là “cuộc chiến tâm lý kinh tởm”.

Theo tờ The Guardian, ngày 13-10, cơ quan quản lý vấn đề người tị nạn của Hamas kêu gọi người dân ở phía bắc Dải Gaza “hãy kiên định trong nhà của mình và đứng vững khi đối mặt với cuộc chiến tâm lý kinh tởm (của Israel)”.

Ông Khaled Abu Sultan - một cư dân ở Dải Gaza - không biết nên làm gì trước yêu cầu sơ tán từ phía Israel. “Chúng tôi không biết ở đó (miền nam Dải Gaza) có an toàn hay không. Chúng tôi không biết gì cả” - ông Sultan nói.

Nhiều người dân lo sợ họ sẽ không thể quay trở lại miền bắc Dải Gaza hoặc sẽ dần bị sơ tán đến khu vực bán đảo Sinai của Ai Cập.

Tuy nhiên, việc người dân từ Dải Gaza muốn qua Ai Cập vào thời điểm này cũng không phải là chuyện dễ.

008d3cdf-84a2-4f10-bb8c-59c436b4dd11.jpg
Người dân miền bắc Dải Gaza di chuyển xuống miền nam, sau cảnh báo từ phía Israel hôm 13-10. Ảnh: AP

Sau các cuộc tấn công của Hamas, Israel đã đóng cửa hai cửa khẩu biên giới giáp Dải Gaza và thực hiện “cuộc bao vây toàn diện” trên vùng lãnh thổ này.

Điều đó khiến cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập trở thành nơi duy nhất người trong Dải Gaza có thể ra bên ngoài. Nơi này cũng trở thành cửa khẩu mà cộng đồng quốc tế có thể tiếp cận để chuyển hàng viện trợ.

CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Jordan cho biết phía Ai Cập đã mở cửa khẩu Rafah, nhưng cửa khẩu bên phía Dải Gaza “không hoạt động” sau nhiều cuộc không kích của Israel hồi đầu tuần.

Ngày 12-10, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng bác bỏ thông tin về việc cửa khẩu Rafah bị đóng. Bộ này cho biết rằng cửa khẩu Rafah bị thiệt hại do các cuộc không kích liên tục của Israel vào Dải Gaza.

Ngày 11-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đàm phán với Israel và Ai Cập về việc tạo ra một hành lang nhân đạo để dân thường có thể rời khỏi Dải Gaza. Tuy nhiên, đến nay, phía Ai Cập và Israel vẫn chưa lên tiếng cụ thể về vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm