Xung đột Israel-Hamas 14-10: Israel đột kích trên bộ, tiếp tục ‘ăn miếng trả miếng’ với Hezbollah, Hamas vẫn phóng rocket từ Gaza

(PLO)- Số người chết trong xung đột Israel-Hamas vượt quá 3.000, giao tranh vẫn quyết liệt và nguy hiểm khi Israel đột kích sang Dải Gaza, yêu cầu dân ở Dải Gaza sơ tán, khả năng sắp tấn công lớn trên bộ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến hết ngày 13-10 (giờ địa phương), số người chết trong cuộc xung đột giữa Israel và Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza (Palestine) đã vượt quá 3.000, giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt và nguy hiểm.

Bộ Y tế Israel cập nhật số người chết là 1.300 người, phần lớn thiệt mạng trong đợt tấn công rocket sáng 7-10 mà Hamas bắn sang, 3.227 người bị thương. Về phía Palestine, Bộ Y tế nước này cho biết giao tranh đã làm hơn 1.900 người thiệt mạng và 7.696 người bị thương.

Israel đột kích trên bộ, Hamas tiếp tục nã rocket

Ngày qua, bên cạnh việc tiếp tục không kích, lực lượng phòng vệ Israel cho biết đã thực hiện các cuộc đột kích trên bộ vào bên trong Dải Gaza. Đây là thông báo đầu tiên cho thấy sự chuyển đổi hoạt động tấn công của Israel từ trên không sang trên bộ, theo kênh Al Jazeera.

Theo lực lượng phòng vệ Israel - ông Daniel Hagari, các cuộc đột kích nhằm thu thập thi thể của những người Israel mất tích bị bỏ lại dọc biên giới bên trong Dải Gaza và làm suy giảm khả năng tên lửa chống tăng của nhóm Hamas.

Israel-hamas 2.jpg
Xe tăng và phương tiện của lực lượng phòng vệ Israel triển khai dọc biên giới với Dải Gaza ngày 13-10. Ảnh: AFP

Ngày 13-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thề sẽ “xóa sổ” Hamas và cho biết cuộc tấn công của Israel ở Gaza “chỉ là bước khởi đầu”.

“Tôi muốn nhấn mạnh: đây mới chỉ là sự khởi đầu. Kẻ thù của chúng ta chỉ mới bắt đầu trả giá. Bây giờ tôi sẽ không nêu chi tiết những gì sắp xảy ra, nhưng tôi muốn nói với bạn rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu” - ông Netanyahu nói, đồng thời cho biết Israel đang tấn công nhóm Hamas “với sức mạnh chưa từng có”.

Vị thủ tướng cũng cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác và đã thu hút được sự ủng hộ quốc tế “to lớn” dành cho Israel.

. Trên lãnh thổ Israel, Al Jazeera đưa tin các chiến binh Hamas liên tục phóng rocket vào các khu định cư của Israel. Các vụ phóng khiến còi báo động vang lên các TP Ashkelon, Sderot, Tel Aviv và các cộng đồng khác gần biên giới Gaza.

Israel cho biết hơn 6.000 quả rocket đã được bắn từ Dải Gaza vào Israel kể từ ngày 7-10 và khoảng 12 con tin đang bị Hamas giam giữ.

Tờ Haaretz của Israel cho biết hai quả rocket đã bắn trúng TP Sderot. Israel đã sơ tán hầu hết người dân khỏi khu vực biên giới.

Hamas ngày 13-10 nói rằng 13 con tin mà nhóm này bắt giữ, cùng 70 người dân Palestine đã thiệt mạng sau các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza.

Người phát ngôn Hamas - ông Izzat al-Risheq nói rằng Hamas “sẽ không từ bỏ cuộc chiến hợp pháp vì tự do và quyền tự quyết”.

“Chúng tôi sẽ chống lại nỗ lực của Israel nhằm thanh lọc sắc tộc ở Gaza. Israel đã công khai tuyên bố kế hoạch phạm tội diệt chủng đối với người Palestine. Những gì những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đang làm là vô nhân đạo, chưa từng có. Chúng tôi hoặc sẽ sống kiên cường hoặc sẽ chết trong chiến đấu” - ông Risheq nhấn mạnh.

. Israel ngày qua đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, đài CNN dẫn thông tin từ Lực lượng phòng vệ Israel.

“Một UAV của Lực lượng phòng vệ Israel đang tấn công các mục tiêu khủng bố thuộc tổ chức khủng bố Hezbollah ở Lebanon. Thông tin chi tiết sẽ được cung cấp sau” - theo Lực lượng phòng vệ Israel.

Nhóm Hezbollah ngày 13-10 đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào bốn địa điểm của Israel.

“Để đáp lại các cuộc tấn công của Israel vào chiều 13-10 nhằm vào vùng lân cận một số thị trấn phía nam Lebanon, các chiến binh thánh chiến của Hezbollah đã tấn công các địa điểm của Israel với vũ khí trực tiếp và phù hợp, tất cả đều chính xác” - theo tuyên bố của Hezbollah.

Phản ứng liên quan lời kêu gọi của Israel về sơ tán người ở Dải Gaza

Israel-hamas.jpg
Người Palestine tại Dải Gaza sơ tán sau lời kêu gọi của Israel ngày 13-10. Ảnh: AFP

Lực lượng phòng vệ Israel ngày 13-10 đã yêu cầu tất cả dân thường ở phía bắc Dải Gaza (khoảng 1,1 triệu người) sơ tán gấp - động thái được cho là bước chuẩn bị cho cuộc tấn công mới của Israel vào Dải Gaza.

Trước thông tin này, nhóm Hamas đã kêu gọi người dân ở lại Dải Gaza và cho rằng yêu cầu của Israel là “hành động thanh trừng sắc tộc”.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ra tuyên bố cho biết nước này “bác bỏ dứt khoát lời kêu gọi di dời người dân Palestine khỏi Gaza và lên án việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào dân thường không có khả năng tự vệ”.

Bộ này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “nhanh chóng hành động để ngăn chặn mọi hình thức leo thang quân sự chống lại dân thường, ngăn chặn thảm họa nhân đạo và cung cấp các nhu cầu cứu trợ và y tế cần thiết cho người dân Gaza”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng lệnh sơ tán của Israel là “cực kỳ nguy hiểm” và không thể thực hiện được”, kêu gọi các bên liên quan tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo tới Dải Gaza.

“Việc di chuyển hơn 1 triệu người qua vùng chiến sự đến một nơi không có lương thực, nước uống hoặc chỗ ở khi toàn bộ lãnh thổ đang bị bao vây là cực kỳ nguy hiểm và trong một số trường hợp đơn giản là không thể thực hiện được” - theo ông Guterres.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby gọi yêu cầu sơ tán của Israel là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ông cho rằng rào cản là vì thời gian sơ tán ngắn nhưng số lượng người cần sơ tán quá lớn, giao tranh vẫn tiếp diễn nên người sơ tán thể gặp nguy hiểm.

Ông Blinken đến Saudi Arabia

Ngày 13-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Saudi Arabia - quốc gia thứ 4 chỉ trong một ngày, theo CNN.

israel.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại thủ đô Doha (Qatar) ngày 13-10. Ảnh: AFP

Ông Blinken đã đến Jordan để gặp Vua Abdullah II và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Nhà ngoại giao Mỹ sau đó đã đến Qatar, Bahrain trước khi tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Ông Blinken dự kiến ​​đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập trước khi trở về Mỹ.

Theo ông Blinken, chuyến đi Trung Đông của ông để thúc đẩy các nước trong khu vực “giúp ngăn chặn xung đột lan rộng và sử dụng quan hệ của họ với Hamas để thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện”.

“Phần lớn các cuộc trò chuyện của tôi trong suốt các chuyến đi là đảm bảo rằng các nước đang sử dụng các mối liên hệ, ảnh hưởng của chính để tạo ra sự khác biệt” - theo ông Blinken.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm