Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, một số đại biểu (ĐB) QH vẫn cho rằng quy định như vậy là chưa cụ thể, rõ ràng.
ĐB Bùi Mạnh Hùng, đến từ Bình Phước, cho rằng nếu không có tiêu chí cụ thể thì khó có thể đánh giá vấn đề nào là “quan trọng”, “đặc biệt quan trọng”. Và cũng không thể phân biệt tiêu chí “quan trọng” trong Luật Trưng cầu ý dân khác gì với thẩm quyền của QH quyết định những vấn đề “quan trọng” của đất nước - được quy định trong Hiến pháp.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng chia sẻ mối băn khoăn này. Ông đề nghị quy định rõ hơn, đồng thời phải bổ sung những việc mà theo ông không thể đưa ra trưng cầu ý dân như thể chế chính trị, mô hình tổ chức quyền lực và thậm chí là thuế, ngân sách quốc gia... bởi có thể là “chuyên môn sâu, cử tri không thể đủ hiểu biết mà quyết định”.
Dự thảo lần này cũng đưa ra một phương án duy nhất về điều kiện một kết quả trưng cầu dân ý được coi là có giá trị pháp lý. Theo đó, phải có ít nhất 3/4 tổng số cử tri tham gia và quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành về nội dung đưa ra trưng cầu ý dân.
ĐB Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng tiêu chuẩn như vậy là quá cao, phi thực tế. “Trưng cầu ý dân được quy định trong Hiến pháp từ năm 1946 rồi nhưng chưa áp dụng trên thực tế, người dân còn rất lạ lẫm, chưa có ý thức đầy đủ về quyền này. Luật đưa tỉ lệ quá cao thì có thể dẫn tới sẽ gượng ép cử tri tham gia, làm mất ý nghĩa của trưng cầu ý dân. Tôi đề nghị chỉ cần 2/3 cử tri tham gia và quá bán ủng hộ là được” - bà Hà góp ý.
Một số vấn đề kỹ thuật khác cũng được ĐB góp ý để hoàn thiện thêm. Chẳng hạn, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị bổ sung, làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp trong việc tham gia tổ chức, triển khai trưng cầu ý dân. Đồng thời, Luật Chính quyền địa phương cũng cần có điều khoản về trách nhiệm UBND trong kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính trong quá trình trưng cầu ý dân...