V-League kết thúc với cảnh có một không hai ở sân Cần Thơ, sốt ruột với việc cấp cứu cầu thủ, bác tài phi thẳng xe cứu thương vào trong sân bóng trước sự ngỡ ngàng tròn xoe mắt của ông trọng tài FIFA người Malaysia.
Chắc chắn khi về nước, hỏi “đặc sản” của giải chuyên nghiệp Việt Nam có gì ấn tượng nhất thì ông sẽ nói là… xe cứu thương “được” chạy thẳng vào sân cỏ để “cứu người”.
Cần Thơ xuống hạng rồi lại chờ có một đội khác chuyển khẩu về mang tên Cần Thơ x, y, z. Ảnh: HUY PHẠM
Người Cần Thơ sau 90 phút chứng kiến đội nhà không vượt qua Nam Định và rớt xuống lại hạng Nhất khá dửng dưng. Lần về lại hạng dưới này, người Cần Thơ sẽ không mang nhiều nỗi niềm như năm 1996 họ rớt khỏi hạng đội mạnh. Cái lần mà rất nhiều người hâm mộ Cần Thơ đi xe đò, đi xuồng đến sân xem xong rồi ngồi thừ bên ngoài sân mà khóc ròng vì thương cho một tập thể vốn là con em người Hậu Giang đi lên từ lứa năng khiếu vắt kiệt sức nhưng lực bất tòng tâm.
Bây giờ thì người Cần Thơ chỉ chép miệng rằng cái đội bóng chuyên nghiệp mang tên Cần Thơ đã rớt hạng rồi. Đội mà chỉ có mỗi cái đầu “Xổ số kiến thiết” của tỉnh nhà gắn vào, còn lại là bàn cờ của “người lớn” với cầu thủ tứ xứ cùng quỹ mua cầu thủ ngoại đội lên rất cao.
Đội bóng đấy có gì là phần hồn của Cần Thơ như hồi mùa giải 1994 người Cần Thơ nô nức đón đội nhà từ Buôn Ma Thuột cùng Công an Hà Nội thăng hạng đội mạnh trở về?
Bóng đá Sài Gòn từng nổi đình nổi đám, giờ lại “xào bài” binh đường khác. Ảnh: HUY PHẠM
Giờ thì người Cần Thơ vốn dửng dưng lại nghe thông tin mùa tới bóng V-League vẫn lăn ở Cần Thơ, vì nghe đâu một ông chủ nào đó muốn nhổ đội bóng chuyên nghiệp ra khỏi TP.HCM và về chuyển khẩu, “cắm” ở Cần Thơ.
Bóng đá đồng bằng sông Cửu Long được ví von là vẫn sống ở V-League nhưng phần hồn, phần máu thịt của nó lại từ những dự án, những nước cờ của một ông bầu. Nó khác hẳn với cảnh người hâm mộ chèo đò, đi xuồng, lặn lội đến bờ sông Hậu, ăn cơm nắm chờ xem cầu thủ Cần Thơ xả thân vì màu cờ sắc áo.
Bóng đá Việt Nam cứ sau một mùa chuyên nghiệp là người hâm mộ và kể cả cầu thủ lại ngán ngẩm chứng kiến cảnh các ông bầu “xào bài” binh đội bóng này về đâu, đội bóng kia đổi tên gì rồi chờ mùa giải mới vẫn bói ra đủ 14 đội thi đấu.
Bóng đá Việt Nam cứ mỗi mùa chuyên nghiệp lại thấp thỏm với ông bầu này đòi bỏ giải vì bất mãn, ông bầu kia "sắp bài" để năm nay dồn cho đội nào vô địch ứng với sự kiện của địa phương…
Bóng đá TP.HCM vừa hết giải lập tức cạn niềm vui để tính toán nước cờ mới từ ông chủ. Ảnh: HUY PHẠM
Ngay như người hâm mộ TP.HCM, từ việc đèn sân Thống Nhất không sáng cuối tuần, đùng một cái có hai đội bóng rồi bây giờ lại đứng trước nguy cơ các ông bầu mang đội bóng đi khỏi TP.HCM.
Giờ thì người hâm mộ TP.HCM lờ mờ hiểu ra rằng bóng đá chuyên nghiệp nếu có rời TP.HCM đi nơi khác thì chắc hẳn là “đất vàng” không còn “vàng”, hay các dự án gắn với các ông bầu giờ trở nên khó khăn nên lại “chuyển khẩu” mang đội bóng đi. Sự lờ mờ hiểu ra bóng đá chuyên nghiệp, CLB chuyên nghiệp nhiều khi chỉ là công cụ để “đầu xuôi đuôi lọt”, còn sự vững bền thì lệ thuộc vào ông bầu đội bóng thu được gì từ dự án, từ đất vàng ở địa phương.
V-League kết thúc trong sự hỗn loạn với sóng ngầm ở nhiều đội bóng lệ thuộc vào quyền sinh, quyền sát của các ông chủ làm bóng đá để biến thành công cụ khai thác.