Bóng đá TP.HCM: Đừng để bị xóa sổ như nhiều đội bóng khác!

(PLO)- Bóng đá TP.HCM từng chứng kiến các đội như Navibank Sài Gòn hay Sài Gòn Xuân Thành phải xóa sổ vì “ông chủ” đầu tư bóng đá mà “không có ăn”. Tương tự, nhiều đội chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng thế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời hoàng kim của bóng đá TP.HCM những năm 1990, Giám đốc Sở TDTT Phạm Văn Kiết trước mỗi giải đấu luôn họp lãnh đạo các đội bóng lại và “nhắc nhẹ”: “Các anh dù là khác ngành nhưng đều là đội bóng của TP.HCM. Tôi biết mỗi đội có một “kênh” riêng nhưng kiểu gì thì ba đội bóng của TP.HCM cũng phải “nhìn nhau mà đá”…”.

Dream team Sài Gòn Xuân Thành khi “nhập hộ khẩu” TP.HCM từng hứa hẹn rất nhiều nhưng khi không được việc là bỏ, giải tán luôn đội bóng. Ảnh: XUÂN HUY

Dream team Sài Gòn Xuân Thành khi “nhập hộ khẩu” TP.HCM từng hứa hẹn rất nhiều nhưng khi không được việc là bỏ, giải tán luôn đội bóng. Ảnh: XUÂN HUY

Thời hoàng kim…

Có thời điểm báo cáo tổng kết của LĐBĐ TP.HCM cho ủy ban vào cuối năm đầy tự hào như một dạng báo công: Đội Sài Gòn đoạt chức vô địch quốc gia, đội Hải Quan vô địch Cúp Quốc gia, đội Công An TP.HCM vô địch Dunhill Cup.

Cũng thời điểm đấy, những địa phương đến và học mô hình bóng đá TP.HCM rất nhiều, Văn phòng 2 LĐBĐ Việt Nam trong sân Thống Nhất là nơi điều hành chính các hoạt động bóng đá trong nước do đa phần con người của LĐBĐ TP.HCM choàng việc LĐBĐ Việt Nam.

Cảm động nhất của bóng đá TP.HCM thời bấy giờ là người hâm mộ đến sân nườm nượp mỗi khi bóng lăn trên sân Thống Nhất. Thậm chí có lần ông tổng giám đốc Cảng Sài Gòn có ý định giải tán đội bóng vì kinh phí nhiều quá thì người hâm mộ đề nghị lập quỹ nuôi đội bóng do đó là niềm vui, là niềm tự hào của người Sài Gòn. Các công nhân Cảng Sài Gòn cũng hưởng ứng bằng việc sẵn sàng trích lương nuôi đội bóng…

Nhưng đến khi bóng đá Việt Nam bước sang chuyên nghiệp thì các đội bóng TP.HCM tuột dần vì không theo kịp cơ chế và những điều kiện cần, đủ. Hải Quan xuống hạng rồi giải tán, Công An TP.HCM ngưng đầu tư đội bóng, Cảng Sài Gòn liên kết với Thép miền Nam sống lây lất rồi cũng tan đàn xẻ nghé…

Trong khi đó các địa phương, mỗi tỉnh một đội lại xây bóng đá chuyên nghiệp theo cơ chế thoáng: Vận động doanh nghiệp tỉnh nuôi và chăm lo đội bóng, bù lại doanh nghiệp được hưởng rất nhiều chính sách ưu ái của tỉnh. Đó là lý do có giai đoạn nhiều tỉnh có đội bóng và sống rất khỏe, trong khi TP.HCM không có đội bóng nào và bóng V-League có thời gian không lăn trên sân Thống Nhất.

Việc trụ hạng hay rớt hạng của hai đội TP.HCM thực chất không được người hâm mộ quan tâm như hồi đó khóc vì Cảng Sài Gòn thua trận hay an ủi Hải Quan, Công An TP.HCM khi họ để vuột cúp.

Xem bóng đá như xem ca nhạc kèm mồi

Nhưng rồi bóng đá TP.HCM cũng có giai đoạn trở lại V-League, trong đó có những suất được mua từ ông chủ hay doanh nghiệp ở địa phương khác và chuyển về “nhập hộ khẩu” bóng đá TP.HCM để sân Thống Nhất sáng đèn.

Giai đoạn mà những người làm bóng đá từng thuê cả nghệ sĩ “hot” trên sân khấu về biểu diễn trước và giữa trận đấu để kéo khán giả đến sân; LĐBĐ TP.HCM kết nạp cả ca sĩ vào làm ủy viên… nhưng khán giả TP.HCM vẫn dè dặt bởi họ nói có yêu thì yêu đội bóng, chứ không yêu nghệ sĩ theo kiểu “xem ca nhạc kèm mồi”.

Những đội bóng từng đến rồi đi rất nhanh ở TP.HCM là Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn. Cả hai đội đều bắt đầu với núi tiền rất lớn đổ vào mua cầu thủ, mời HLV giỏi cùng đề án gửi lên “cấp trên” nghe rất “yêu” và “vì” bóng đá TP.HCM. Tuy nhiên, không lâu sau thì các đội dần giải tán theo những cách khác nhau. Có đội sang tên đổi chủ để gỡ vốn. Đội thì ông chủ nhắm những khu đất vàng và xin cơ chế bất thành…

Day dứt với hai đội bóng của TP.HCM hiện tại

Nay thì bóng đá TP.HCM có hai đại diện và việc hình thành hai đội bóng cũng theo hai hình thức khác nhau. CLB TP.HCM là đội bóng được xây và ươm mầm từ đề án làm lại bóng đá TP.HCM một cách căn cơ với yếu tố con người, con em TP.HCM hình thành đội TP.HCM có yếu tố màu cờ sắc áo, có truyền thống. Họ đá từ hạng Nhì lên nhưng đến khi thăng hạng chuyên nghiệp thì bị bắt phải chuyển giao cho doanh nghiệp ở TP.HCM điều hành. Đó là lý do doanh nghiệp có khi mời Công Vinh làm chủ tịch CLB, rồi sau này mời Hữu Thắng làm chủ tịch đưa về rất nhiều cầu thủ từ “lò” khác không giống như đề án của LĐBĐ TP.HCM từ khi nuôi và chăm cho đội hạng nhì.

Sài Gòn FC ban đầu là đội Hà Nội 2 của bầu Hiển xin được vào TP.HCM lấy tên Sài Gòn và chọn Thống Nhất làm sân nhà. Sau đó, các ông chủ của ĐH Văn Lang được mời mua và đầu tư đội bóng, dần dần cái áo Hà Nội 2 được tháo dần.

Trước vòng 12, hai đội TP.HCM vẫn nằm ở đáy bảng và có nguy cơ trận derby TP.HCM - Sài Gòn FC sẽ là trận tương tàn một trụ hạng, một rớt hạng.

Việc trụ hạng hay rớt hạng của hai đội TP.HCM thực chất không được người hâm mộ quan tâm như hồi đó khóc vì Cảng Sài Gòn thua trận hay an ủi Hải Quan, Công An TP.HCM khi họ để vuột cúp. Bởi một nguyên nhân rất cơ bản là người hâm mộ TP.HCM vẫn chưa đọng lại nhiều và chưa xem hai đội bóng trên như kiểu xem Cảng Sài Gòn là “máu thịt”.

Hy vọng là các ông chủ của hai đội bóng đại diện cho TP.HCM vẫn kiên trì với bóng đá TP.HCM như khi họ nhận đội bóng và hứa hẹn sẽ là niềm tự hào của người hâm mộ TP.HCM hay khi họ mua đội bóng mang cái tên Sài Gòn và muốn trở thành một phần của Cảng Sài Gòn ngày nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm